Nhan Hồi, họ Nhan, tên Hồi, tự là Tử Uyên, nên cũng gọi là Nhan Uyên, là con của ông Nhan Do, người nước Lỗ.

Nhan Hồi theo học với Đức Khổng Tử, và là học trò giỏi nhứt trong số các học trò của Đức Khổng Tử.

Nhan Hồi kém hơn Đức Khổng Tử 30 tuổi, thiên tư thông minh, nhanh nhẹn, hiếu học, chuộng Lễ, làm việc gì cũng không lầm lỗi đến hai lần, nói điều gì cũng không cẩu thả, khi giận người nầy không giận lây người kia, đứng đầu khoa đức hạnh trong cửa Khổng.

Đức Khổng Tử thường khen rằng: Ta có trò Hồi, cho nên các học trò ngày càng thân với Ta.

Nhan Hồi nhà nghèo, ở trong ngõ hẹp, giỏ cơm bầu nước, nếu là người khác thì không chịu được mà lo buồn, Nhan Hồi thì tự nhiên vui vẻ, học đạo. Đức Khổng Tử khen là người hiền và có nhân. Năm Nhan Hồi 29 tuổi thì tóc đã bạc trắng.

Lúc Đức Khổng Tử và các môn đệ bị nước Trần và nước Sái vây khổn ở ngoài đồng, không cho đi qua nước Sở, Khổng Tử hết lương thực. Những người đi theo đều ốm, dậy không nổi, nhưng Đức Khổng Tử vẫn dạy các môn đệ, rồi ngâm thơ, đánh đàn, ca hát, không tỏ ra suy yếu.

Tử Lộ (tên là Trọng Do) thấy thế có vẻ giận, đến hỏi:

– Người quân tử cũng có lúc cùng khốn ư?

Đức Khổng Tử đáp:

– Người quân tử trong lúc cùng khốn thì giữ vững, còn kẻ tiểu nhân trong lúc cùng khốn thì làm bậy.

Đức Khổng Tử nhìn mặt Tử Cống (tên là Đoan Mộc Tứ) thấy có vẻ giận, liền nói:

– Này anh Tứ, anh cho ta học nhiều mà biết phải không?

Tử Cống đáp:

– Dạ, đúng thế, không phải thế sao?

Đức Khổng Tử nói: – Không phải đâu! Ta lấy một điều để quán triệt tất cả. (Nhà triết học khác với người thường ở chỗ đó). Đức Khổng Tử biết các học trò còn có chỗ tức tối, bèn gọi Nhan Hồi đến hỏi:

– Này anh Hồi! Kinh Thi có nói: Chẳng phải con trủy, chẳng phải con hổ, ở ngoài đồng vắng. Đạo của ta phải hay sai? Tại sao ta gặp cảnh nầy?

Nhan Hồi đáp:

– Đạo của Phu Tử hết sức lớn lao, nên cả thiên hạ không ai dung nạp được. Nhưng Phu Tử cứ theo đó mà làm, người ta không dung nạp được thì có hại gì! Người ta không dung nạp, nhưng sau nầy người ta sẽ thấy Phu Tử là người quân tử. Đạo không được trau giồi, đó là cái điều mà ta lấy làm xấu hổ. Đạo đã được trau giồi mà vẫn không được dung nạp thì đó là điều xấu hổ của kẻ làm vua một nước. Người ta không dung nạp được Phu Tử thì có hại gì! Về sau người ta sẽ thấy Phu Tử là người quân tử.

Đức Khổng Tử hớn hở cười nói:

– Đúng lắm! Hỡi con người họ Nhan, nếu nhà ngươi lắm của cải thì ta sẽ làm người quản lý của cải cho nhà ngươi.

Sau đó, Đức Khổng Tử sai Tử Cống sang nước Sở yêu cầu vua Sở Chiêu Vương đem binh đến rước, Đức Khổng Tử mới thoát được cái nạn ấy.

Bạch kỳ Nhan Uyên:

Một ngày kia, Đức Khổng Tử hỏi các môn đệ rằng:

– Thảng như trường hợp nước nọ chẳng hòa với nước kia, đến nỗi phải gây chiến với nhau, thì các môn đệ nghĩ làm sao?

Các môn đệ đều lần lượt trả lời, cũng không ngoài cái ý thường tình là ai vì chúa nấy, cất binh đánh nhau. Duy có Nhan Hồi thì có tư tưởng khác hẳn, đáp rằng:

– Nếu gặp trường hợp ấy, tôi nguyện cầm cây cờ trắng, xông ra giữa vòng binh để giải hòa hai bên, hầu ngăn chận cuộc tương tàn tương sát.

Đức Khổng Tử nghe xong thì rất hài lòng, còn các môn đệ khác thì ngạc nhiên.

Do đó mới có từ ngữ: Bạch kỳ Nhan Uyên, là cây cờ trắng hòa giải của Nhan Hồi.

Đức Khổng Tử thường khen Nhan Hồi:

“Hiền tai Hồi giả! Nhất đan tự, nhứt biều ẩm, tại lậu hang, nhân bất kham kỳ ưu, Hồi giả, bất cải kỳ lạc! Hiền tai Hồi giả!” Nghĩa là: Hiền vậy thay Nhan Hồi! Một giỏ cơm, một bầu nước, ở chỗ ngõ hẹp, giá người khác ở vào cảnh ấy thì lo buồn không chịu được, thế mà Nhan Hồi không bao giờ đổi cái vui của mình. Hiền vậy thay Nhan Hồi!

Nhan Hồi mất lúc còn rất trẻ, mới 31 tuổi.

Đức Khổng Tử than rằng: – Trời hại ta! Trời hại ta!

Mộ của Nhan Hồi ở Khổng Lâm, có những đền miếu mái lợp ngói tráng men, tường sơn đỏ, cửa sơn xanh, xà cột chạm vẽ. Miếu chính thờ tượng của Nhan Hồi, các miếu trong thờ bài vị song thân và phu nhân của Nhan Hồi. Đời sau có bài thi:

KHỔNG TỬ KHÓC NHAN HỒI
Khả tích Nhan Hồi mạng tảo vong,
Giáo nhơn tư tưởng phát như sương.
Chỉ nhơn lậu hạn đơn biều lạc,
Lưu đắc hiền danh vạn cổ dương.
Dịch: Khá tiếc Nhan Hồi mạng vắng ôi!
Nhớ thương mái tóc bạc như vôi.
Đai cơm bầu nước vui quê hẹp,
Lưu tiếng hiền danh biết mấy đời.

Đời sau truy tặng Nhan Hồi là Uyển Quốc Công, phối hưởng với Đức Khổng Tử khi cúng tế và được tôn là Phục Thánh, một trong Tứ Thánh của Nho giáo, gọi là Phục Thánh NhanTử.

Hai vị Thánh Nhan Hồi và Tử Tư có giáng cơ nơi Chiếu Minh Đàn ở Cần Thơ giảng dạy Đạo lý, xin chép ra sau đây:

Ngày 17-1-Nhâm Thân (dl 22-2-1932).

Tiếp điển:

                     THI:
NHAN sắc người tu trổ đượm nhuần,
HỒI tâm tánh tục khỏi gian truân.
TỬ tôn noi dấu nhà Nho giáo,
TƯ mộ chơn truyền gặp cảnh xuân.
NHỊ thế trau giồi nền chánh lý,
THÁNH Tiên rồi rảnh đạo nhơn luân.
GIÁNG khuyên người thế mau hồi tỉnh,
CƠ tạo đổi xây khó độ chừng.

Diễn dụ: Phàm làm người ở thế phải biết Tam Cang Ngũ Thường vi bổn và biết đạo.

Nếu muốn hiểu thông chơn lý và cư xử cuộc thế đạo nhà, dạy dân lễ nghĩa, cũng nhờ văn chương khai khiếu.

Kẻ học đạo mà không dùng Nho tợ như thuyền thiếu lái, kẻ thương mãi mà chẳng dùng Nho thì sổ bộ loạn hành, bổn lợi chẳng minh. Bởi có câu: Vạn sự tùng Nho sở xuất.

               THI rằng:
Muốn minh chơn lý phải dùng Nho,
Máy tạo huyền vi chẳng dễ mò.
Học đạo thiếu văn thuyền chích lái,
Cũng nên tìm kiếm một đôi pho.

ban may cat sat makita