Hán văn:
絕 聖 棄 智, 民 利 百 倍. 絕 仁 棄 義, 民 復 孝 慈. 絕 巧 棄 利, 盜 賊 無 有. 此 三 者 以 為 文, 不 足. 故 令 有 所 屬. 見 素 抱 朴. 少 思 寡 欲.
Phiên âm:
- Tuyệt thánh khí trí, dân lợi bách bội.[1]
- Tuyệt nhân khí nghĩa, dân phục hiếu từ.[2]
- Tuyệt[3] xảo khí [4] lợi, đạo tặc vô hữu.
- Thử tam giả dĩ vi văn,[5]bất túc. [6]
- Cố lệnh hữu sở thuộc.[7] Kiến [8] tố bão phác. Thiểu tư quả dục.
Dịch xuôi:
- Dứt thánh bỏ trí, dân lợi gấp trăm.
- Dứt thân bỏ nghĩa dân lại thảo lành.
- Dứt khéo, bỏ lợi, không có trộm cướp.
- Ba điều đó hào nhoáng bên ngoài, chẳng đủ vào đâu.
- Phải chú trọng điều này: Giữ vẹn tinh anh, chất phác: ít riêng tây, ít ham muốn.
Dịch thơ:
- Dứt bỏ thánh, khinh thường tiểu trí,
Trong dân gian, lợi sẽ gấp trăm.
- Tung hê, nhân, nghĩa, chẳng cần,
Tự nhiên dân sẽ mười phân hiếu từ,
- Dứt khéo léo cùng là tài lợi,
Dân theo gương bỏ thói gian tham.
- Ra chi phù phiếm vẻ văn,
Cốt sao nắm giữ được phần tinh hoa.
- Hiển dương Đạo, sống cho phác thiệt,
Ít đam mê và ít riêng tây.
BÌNH GIẢNG
Chương này được Hà Thượng Công đặt tên là «Hoàn thuần». Đại khái, Lão tử khuyên ta hãy bỏ hết mọi điều nhân vi, nhân tạo để trở về đời sống tự nhiên; hãy rũ bỏ những qui ước xã hội tù túng con người để sống cho khinh khoát; hãy gạt bỏ lòng tiểu kỷ tham dục, để sống đời thuần phác hòa đồng.
Trước hết Lão tử khuyên ta hãy dứt thánh, bỏ trí.
Chữ thánh đây không có nghĩa là vị thánh nhân chân thực đã thực hiện được thiên chân, đã sống theo thiên lý, mà là những bậc thông minh hơn người, thường làm quân sư cho vua chúa, vẽ vời cho vua chúa biết những phép tắc, đường lối để khống trị dân.[9]
Trí đây không phải là những người đại trí, đã thấu suốt được bản tính, đã nhìn thấy được thiên chân tiềm ẩn đáy lòng, mà là những bậc tiểu trí bày ra trăm mưu ngàn chước mê hoặc lòng người.
Lão tử cho rằng dẹp được những hạng thánh, trí ấy đi dân chúng sẽ hạnh phúc hơn nhiều.
Lão tử cũng cho rằng đem những chiêu bài nhân nghĩa ra để mà dạy dân tức là làm cho lòng dân rối loạn, không còn biết thế nào là sống theo tự nhiên, và bước dần vào đời sống giả tạo.
Trang tử cũng chủ trương: «Tại sao không để cho dân sống tự nhiên? Tại sao lại muốn cho dân quên mất bản tính của họ? Từ khi vua Thuấn (khoảng 2255) dùng khẩu hiệu «Nhân Nghĩa» làm lạc hướng con người, con người đã trở nên khổ sở, vì bị tù túng trong những khuôn khổ giả tạo, nhân vi.»[10]
Lão tử khuyên ta dứt khéo, bỏ lợi thì mới có thể sống an bình. Xã hội chúng ta ngày nay đã mắc bệnh chuộng khéo, ham lợi, nên mới khổ sở vì những nạn đao binh, đạo tặc lớn nhỏ; lớn như đi chinh phục nước người, nhỏ như đi cướp giật của người, hoặc bày ra những mưu thần chước quỉ để moi móc tiền người.
Lão tử cho rằng những cái hào nhoáng bên ngoài không thể nào thỏa mãn được con người. Con người muốn sống hạnh phúc vẫn cần phải quay về với thiên chân, với tự nhiên.[11] Tóm lại, thiên chân, thiên tính bao giờ cũng hơn nhân vi qui ước. Trang tử viết trong thiên Khư Khiếp đại khái như sau:
«… Lắm phép tắc loạn ly cũng lắm,
Càng vẽ vời càng lắm điêu linh.
Thánh sinh, đạo chích cũng sinh,
Thánh tiêu, trộm cắp lẻ mình tiêu luôn.
Làm đấu hộc, đong lường, cân trái,
Bầy tín phù, bầy ngãi, bầy nhân.
Càng nhiều phép tắc gian trần,
Gian ngoan điêu trác càng tăng thêm hoài.
Ăn cắp nhỏ mới tai, mới họa,
Ăn cắp nhiều, thời bá, thời vương.
Bá vương rồi cũng huênh hoang,
Chiêu hiền, đãi khách xênh xang quanh mình.
Nên dứt thánh, dứt tình với trí,
Thời cướp ngày sẽ bí lối sinh.
Trầm châu, đắm ngọc tan tành,
Rồi ra trộm cắp lưu manh hết liền.
Phá ấn tín, dân nên thuần phác,
Đập đấu cân, dân gác ghen tuông,
Phá tan thánh pháp kỷ cương,
Rồi ra dân sẽ rộng đường tới lui.
Vứt đàn sáo, bịt tai Sư Khoáng,
Thời chúng dân sẽ sáng tai ra.
Tung hê màu sắc, văn hoa,
Cho mờ van vả, cho nhòa Ly Châu.
Hãy hủy hẳn giây, câu, khuôn thước,
Tay Công Thùy tìm chước chặt đi.
Sử, Tăng ta hãy khinh khi,
Bị mồm Dương, Mặc, bịt đi đỡ phiền.
Điều nhân nghĩa đảo điên hãy bỏ,
Bỏ đi rồi sẽ rõ «Huyền đồng»
«Huyền đồng» là chính thần thông,
Hợp cùng Đạo cả, ung dung vẹn nghì.
Kìa Tăng, Sử, Công Thùy, Sư Khoáng,
Hạng Ly Chu và hạng Mặc Dương,
Đều là nhân đức phô trương,
Rốc bầu tinh túy, huyên hoang bên ngoài.
Chính vì vậy gieo tai gieo họa,
Loạn dân tình, loạn cả nước non,
Tưởng là ích lợi ngàn muôn,
Nào ngờ điên đảo, mỏi mòn lòng ai.» [12]
Trang tử cũng còn viết trong thiên Đại Tông Sư đại khái như sau:
«Đời trần thế là đời mộng ảo,
Tỉnh với mơ lộn lạo, khác chi.
Tử sinh như ở với đi,
Như thay hình tướng có chi bận lòng.
Dù nam bắc tây đông cũng vậy,
Trời bảo sao ta hãy vui theo,
Mặc cho ngoại cảnh xoay chiều,
Giữ lòng tạo hóa phiêu diêu thỏa tình.
Đem thân gửi mênh mông bát ngát,
Thời thân này mất mất làm sao.
Muốn tìm ra Đạo chí cao,
Mà không suy tưởng, nhẽ nào tìm ra.
Hãy thâu lượm tinh hoa sử sách,
Hãy khơi tung nguồn mạch đáy lòng,
Hư vô khi đã khai thông,
Rồi ra sẽ được huyền đồng chẳng sai.
Tìm Trời, phải quên đời, quên cảnh,
Quên phù sinh, ảo ảnh bên ngoài,
Tâm hồn khi hết pha phôi,
Mới mong rực rỡ ảnh Trời hiện ra.
Đã thấy Đạo, đâu là kim cổ,
Hết cổ kim, vào chỗ trường sinh.
Ham sinh, thời lại điêu linh,
Phù sinh chẳng chuộng, thần minh ấy là,
Hãy cố gắng vượt qua nhân nghĩa,
Hãy quên đi nghi lễ của đời,
Quên mình, quên cả hình hài,
Thông minh, trí tuệ gác ngoài tâm linh.
Hãy hợp với vô hình, vô tượng,
Cùng Đại thông vô lượng sánh đôi.
Thế là được Đạo, được Trời,
Thoát vòng biến hóa muôn đời trường sinh.» [13]
[1] Bách bội 百 倍: gấp trăm.
[2] Phục 復: trở lại.
[3] Tuyệt 絕: dứt.
[4] Khí 棄: bỏ.
[5] Văn 文: vẻ hào nhoáng bên ngoài.
[6] Bất túc 不 足: không đủ.
[7] Nguyễn Duy Cần và Nghiêm Toản đọc 屬 là «chúc».
[8] Nghiêm Toản đọc 見 là «hiện».
[9] Ta thấy ở nhiều chương khác Lão tử thường đề cập đến bậc thánh nhân chân chính.
[10] Xem Nam Hoa kinh, chương Biền mẫu, đoạn A. — Les Pères du Système Taoïste, p. 271.
[11] The work of the Church ends when the knowledge of God begins.» Evelyn Underhill, Mysticism, p. 199.
[12] Xem Nam Hoa kinh, chương 10, Khư Khiếp, đoạn B.
[13] Nam Hoa kinh, chương 6, Đại tông sư, các đoạn F, G, H.