Tết cổ truyền là phong tục truyền thống đặc biệt quan trọng trong nền văn hóa Á Đông. Văn hóa Á Đông chính là văn hóa Thần truyền, do Thần truyền cấp cho con người, vì vậy chưa bao giờ tách khỏi những câu chuyện về Thần. Năm hết tết đến cũng là dịp gắn liền với rất nhiều Thần tích khác nhau. Trong loạt bài “Thần Tích Ngày Tết” này chúng tôi xin điểm lại một số truyền thuyết và Thần thoại mà cổ nhân đã lưu lại cho chúng ta, đồng thời cũng mạn phép đưa ra một vài góc nhìn khác mà có lẽ người hiện đại ít khi lưu tâm đến…
Trong phong tục ở nhiều nơi của người Việt Nam, ngày Tết thường chưng lên bàn thờ quả dưa hấu, không chỉ với mục đích trang trí mà dưa hấu vỏ xanh ruột đỏ còn tượng trưng cho hy vọng, may mắn và tài lộc.
Sự tích quả dưa hấu không còn lạ gì với người Việt Nam, nhưng nội hàm sâu sắc ẩn chứa bên trong câu chuyện vẫn đáng để hậu thế chúng ta mang ra thảo luận và suy ngẫm nhiều hơn.
“Truyện Dưa Hấu” trong Lĩnh Nam Chích Quái
Có nhiều phiên bản kể về sự tích dưa hấu, ở đây chúng tôi chọn bản kể trong sách “Lĩnh Nam Chích Quái” – cuốn cổ thư ghi chép về các Thần tích xảy ra trên nước Việt vào đời thượng cổ:
Về đời Hùng Vương có viên quan tên là Mai Tiêm vốn người ngoại quốc, khi lên 7-8 tuổi vua mua từ thương thuyền về làm nô bộc. Tới khi lớn lên diện mạo đoan chính, nhớ thuộc sự vật, vua ban tên cho là Mai Yển, hiệu An Tiêm, lại ban cho một người thiếp.
Tiêm sinh hạ được một trai một gái. Vua rất tin yêu, giao cho công việc, dần dần trở nên phú quý, bổng lộc rất nhiều. Sau An Tiêm đâm ra kiêu căng ngạo mạn, thường nói rằng: “Đó đều là do tiền thân của ta, không phải do ơn vua.”
Vua nghe nói cả giận, phán: “Làm thần tử của người mà kiêu căng ngạo mạn, không biết ơn vua, lại nói là do tiền thân! Nay đưa ngươi ra một nơi không có người ở giữa bể xem có còn tiền thân không?”
Bèn đày ra ngoài cửa bể huyện Nga Sơn (còn gọi là Giáp Sơn), bốn bề toàn cát và nước không có vết chân người qua lại, ban cho một số lương thực đủ ăn bốn năm tháng để cho ăn hết thì chết. Vợ Tiêm than khóc, Tiêm cười mà bảo: “Trời đã sinh ta tất nuôi nổi ta, sống chết bởi Trời, ta đâu lo lắng.”
Bỗng thấy một con chim bạch trĩ từ phương Tây bay lại đậu ở đầu núi, kêu lên 3, 4 tiếng, 6, 7 hạt dưa theo tiếng kêu mà rơi xuống cát, mọc lên xanh rì rồi kết thành quả. An Tiêm mừng rỡ mà nói: “Đây không phải là dị vật, mà là Trời cho để nuôi ta đó.”
Bèn bổ ra mà ăn, thấy vị thơm ngon, tinh thần sảng khoái, mới giữ lấy hạt, năm sau đem trồng. Ăn không hết, lại đem đổi lấy gạo nuôi vợ con. Tiêm không biết gọi là quả gì, nhân vì chim trĩ ngậm hạt từ phương Tây bay tới nên gọi là Tây qua (dưa hấu). Phường chài, phường buôn đều cho là ngon. Những người ở thôn xóm xa gần đều mua để lấy giống.
Sau vua nghĩ tới Tiêm, cho người đến xem Tiêm còn sống hay đã chết. Người đó về tâu lại sự việc với vua, vua thở dài mà than rằng: “Hắn nói là do ở tiền thân, điều đó thực không ngoa chút nào!” Vua bèn ra chiếu gọi về cho phục chức cũ, lại cấp cho nô tỳ.
Bãi cát Tiêm ở gọi là bãi An Tiêm, làng đó gọi là Mai Thôn. Có người lại suy tôn nơi tổ tiên An Tiêm ở mà cho rằng nơi đó là châu An Tiêm thuộc tỉnh Thanh Hóa.
(Theo Lĩnh Nam Chích Quái)
Người Việt thời thượng cổ đã tin vào nhân quả và Thiên mệnh
Theo cổ thư Lĩnh Nam Chích Quái, “truyện Dưa Hấu” không chỉ giải thích về nguồn gốc của quả dưa hấu theo quan niệm của dân tộc Việt Nam, mà còn hé mở cho chúng ta biết người Việt từ thời Hùng Vương đã có quan niệm về thuyết Nhân quả báo ứng và tin vào Thiên mệnh.
Trong truyện ban đầu An Tiêm nói “Đó là do tiền thân của ta”. Tiền thân cũng tức là “kiếp trước”, ngụ ý lời đó muốn nói mọi việc trong đời đều do nhân quả báo ứng mà người ta đã tạo trong những kiếp trước, vì kiếp trước An Tiêm làm nhiều việc Thiện nên tích được đức lớn, đời này mới hưởng phúc báo giàu có sung túc và được vua tin yêu, đây vốn là nhân quả tạo thành, chứ không đơn giản chỉ là do vua ban thưởng.
Đến khi bị vua lưu đày ra hoang đảo, An Tiêm vẫn điềm tĩnh cười mà an ủi vợ: “Sống chết bởi Trời, ta đâu lo lắng”, khi phát hiện ra quả dưa hấu thì liền nói: “Trời cho để nuôi ta đó.” Điều này cho thấy Mai An Tiêm rất tin vào Thiên mệnh, mọi việc đều do Trời cao an bài. Ông Trời cũng là căn cứ theo các việc Thiện ác người ta đã tạo mà an bài một đời của họ, nên thuyết Thiên mệnh và quan niệm Nhân quả báo ứng vốn không hề mâu thuẫn với nhau, mà còn bổ sung cho nhau.
Lúc đầu Hùng Vương rất tức giận vì cho rằng Mai An Tiêm không biết ơn mình, nhưng sau khi nhìn thấy Tiêm ra tới hoang đảo vẫn tìm được cách thức mưu sinh bằng quả dưa hấu, hơn nữa cuộc sống cũng đầy đủ ấm no như khi làm quan, thì vua phải gật đầu thừa nhận rằng: “Hắn nói là do ở tiền thân, điều đó thực không ngoa chút nào!”, và quyết định cho Tiêm về triều phục chức.
Điều này chứng tỏ rằng một người có đức lớn, dù có người dốc lòng muốn hại họ, kết quả cũng sẽ không thành công, họ bị cướp đi điều này thì ông Trời sẽ bù đắp cho họ thứ khác, hơn nữa cái đáng thuộc về họ thì đi một vòng lớn rồi cũng sẽ quay về với họ, không thể mất được.
Hùng Vương vì tức giận nhất thời mà trách Mai An Tiêm “vô ơn”, nhà vua chỉ tin vào quyền hành trong tay mình, thậm chí cho rằng “vương quyền cao hơn Thần quyền” nên mới chối bỏ cả nhân quả báo ứng. Tuy nhiên sau khi nhìn thấy thành tựu Mai An Tiêm đạt được, vua liền hiểu là mình đã trách lầm và lập tức nhận lỗi sửa sai, qua đó cho thấy ông cũng là một vị vua anh minh, chứ không phải kẻ chuyên quyền cuồng vọng, cậy vào quyền thế mà muốn đấu với mệnh Trời.
Người hiện đại vẫn thường nghĩ rằng “nhân quả báo ứng” là học thuyết của Phật giáo, còn “tri Thiên mệnh” là điều được giảng trong Nho giáo. Nhưng trên thực tế những điều ấy không phải chỉ là “học thuyết”, mà chính là quy luật của tự nhiên, là Pháp lý vận hành của vũ trụ. Phật giáo, Nho giáo, hay Đạo giáo, Thiên Chúa giáo,… là được các bậc Giác ngộ hoặc Thánh nhân đã thấu tỏ chân lý mà truyền xuất ra để cứu độ con người và chấn chỉnh đạo đức xã hội. Nhưng những điều mà các Ngài giảng không phải do các Ngài tự đặt ra, mà vốn là Pháp lý của vũ trụ do các Ngài chứng ngộ được.
Vì là Pháp lý của vũ trụ nên người Việt cổ, hay những dân tộc khác trên thế giới ở phương Đông lẫn phương Tây cũng có thể biết được điều này, chẳng qua văn hóa khác nhau nên cách diễn giải không giống nhau mà thôi. Người ta cho rằng “thuyết nhân quả” và “tri Thiên mệnh” chỉ là “học thuyết” của các “nhà tư tưởng”, thật ra đó còn là quy luật của vũ trụ, bất kỳ ai cũng cần phù hợp với nó mới có thể có được tương lai tốt đẹp.
Rất nhiều người hiện nay, dù nhân quả đã triển hiện ngay trước mặt họ, ví như làm chuyện xấu thì bị báo ứng, họ vẫn không tin, còn cho rằng tất cả chỉ là “ngẫu nhiên”. Điều đó chỉ càng khiến họ tạo nghiệp nhiều và tự chuốc lấy tai ương cho bản thân mà thôi.
Trong một số truyện cổ tích do người ngày nay viết cũng có kể lại sự tích dưa hấu, nội dung thì cũng tương tự, nhưng lại sửa câu nói của Mai An Tiêm thành: “Mọi thứ ta có đều nhờ công sức lao động của ta mà ra”. Tưởng chừng như không thay đổi lắm ý nghĩa, kỳ thực đã hoàn toàn làm truyện này mất đi nội hàm sâu sắc của nó.
Kỳ thực Mai An Tiêm không phải người kiêu ngạo ỷ vào “tài năng” và “công sức” gì đó của mình, mà trái lại ông rất khiêm nhường và có đức tin, cho rằng chỉ cần làm điều tốt thì Trời cao sẽ không bạc đãi mình, vì quy luật Nhân quả báo ứng luôn hiện hữu.
Nếu sửa đổi chữ “tiền thân” trong lời của Mai An Tiêm thành “công sức” thì dường như đã biến ông trở thành một người chỉ tin vào bản thân, kiêu căng tự mãn, thậm chí là vô Thần. Đây hoàn toàn không phải là điều cổ nhân muốn lưu lại cho hậu thế.