Giáo lý nhà Phật dạy rằng, con người gặp gỡ nhau là bởi có duyên nợ từ những kiếp trước. Mối quan hệ nhân quả nghiệp báo giữa cha mẹ và con cái cũng không phải là ngoại lệ. Vậy nên, biết được những điều này, tâm chúng ta sẽ thanh thản hơn rất nhiều.
Có thể người vợ ở kiếp này là người bạn chôn kiếp trước, tới trả nợ cho bạn. Đứa con trai ở kiếp này, là chủ nợ của bạn ở kiếp trước, để đòi món nợ chưa trả. Đứa con gái ở kiếp này, là người tình ở kiếp trước, tới vì tình cảm chưa dứt. Người tình kiếp này, là vợ chồng của kiếp trước tới nối tiếp phần duyên phận chưa dứt. Hồng nhan tri kỷ của kiếp này là anh em của kiếp trước tới chia sẻ những tâm sự chưa nói hết. Người giàu có kiếp này là người giàu lòng thiện kiếp trước, tới nhận phần công đức đã phát ra từ kiếp trước… Đây không phải là mê tín mà là nhân quả luân hồi, là số kiếp. Nhà Phật thường nói rằng nếu không duyên không nợ nhau thì làm sao gặp gỡ.
Con cái đến với cha mẹ ở kiếp này là có 4 loại nghiệp duyên: một là để báo ơn; hai là để đòi nợ; ba là để trả nợ; bốn là để báo oán. Ơn oán nghiệp lực còn phụ thuộc vào cả kiếp trước và cả những việc làm của cha mẹ kiếp này.
Người xưa vẫn có câu nói rằng “Cha mẹ sinh con trời sinh tính”. Có nhiều gia đình, bố mẹ ngay thẳng, thật thà nhưng lại sinh con cái nghịch ngợm, “rạch giời rơi xuống”. Hay những gia đình bố mẹ giàu có lại sinh ra những đứa con phá gia chi tử, ăn chơi đàng điếm, có khi còn vướng vòng lao lý. Tất cả đều có thể lý giải ở hai chữ “nhân quả”. Tiền buôn bán kiếm được có thể là tiền bất chính, nên bằng cách này hay cách khác cũng sẽ đội nón ra đi “của thiên lại trả địa”. Con cái chỉ là người dùng duyên nghiệp đó mà trả nghiệp cho bố mẹ thôi.
Trên đời này, mọi trái nghịch cũng đều có nhân duyên, bởi sự đời không phải khi nào cũng thuận. Thế nào cũng có ít nhiều những cái nghịch lòng xảy ra khi đã thấy cái thuận lòng. Chỉ là thiếu duyên thì ẩn, đủ duyên thì hiện. Không phải mẹ nào cũng đều hy sinh mọi thứ cho con, không phải cha nào cũng biết lo toan đầy đủ. Có mẹ bỏ con cho kiến dập vùi. Có cha đánh con đến nỗi thương vong. Con trẻ, không phải ai cũng hiếu thuận, vẫn thấy có người dững dưng với những lo toan vất vả của đấng sinh thành. Đứa thì thuận thảo, đứa chưa mở miệng đã thấy nhăn nhó… Mọi thứ đều có nhân duyên. Đều do nghiệp lực thiện ác mình đã gây tạo trong đời.
Nói về 4 loại duyên giữa con cái và cha mẹ, nhà Phật dạy rằng:
Loại thứ nhất là báo ân: Kiếp trước, cha mẹ có ân với con, kiếp này con đầu thai để trả nợ cho cha mẹ. Ân càng lớn, con ở với cha mẹ càng lâu, trả hết ân, con cái sẽ ra đi.
Loại thứ hai là báo oán: Kiếp trước, cha mẹ có kết hận với họ nên họ đầu thai vào làm con của cha mẹ kiếp này để báo oán. Thế mới có trường hợp, con cái ngỗ ngược, phá gia chi tử. Đừng vội trách con, hãy trách kiếp trước cha mẹ từng nợ chúng.
Loại thứ ba là đòi nợ: Kiếp trước, cha mẹ thiếu nợ con, kiếp này con đến đòi nợ. Nếu thiếu nợ ít, nuôi hai, ba năm, con bèn chết. Nếu thiếu nợ nhiều, đại khái là nuôi đến khi khôn lớn lại chết mất. Nợ đã đòi xong, con bèn ra đi.
Loại thứ tư là trả nợ: Kiếp trước, con nợ cha mẹ, kiếp này con đầu thai làm con để trả nợ. Con sẽ nỗ lực làm ăn để nuôi nấng cha mẹ, bao giờ hết nợ, con mới dứt áo ra đi. Đừng vội trách con đối đãi nhiều hay ít, bởi lẽ còn phụ thuộc vào kiếp trước con nợ cha mẹ mức nào.
Sinh con ra khó nhọc, nuôi nấng con còn khó nhọc hơn. Làm bậc cha mẹ, hãy nên tích đức cho con cái, đừng vì tham lam mà làm điều ác để lấy nhà cao cửa rộng cho con; cũng đừng vì ích kỷ, thù hằn cá nhân mà gây ác nghiệp, có thể kiếp sau quả báo mới tới, nhưng cũng có thể kiếp này đã tới ngay trong đời con. Nếu sinh con ra không được như ý muốn thì cũng đừng buồn giận, chỉ là ta đang phải trả nghiệp cho kiếp trước hay cho những gì ta làm trong quá khứ mà thôi.
Cuối cùng, dù là duyên nghiệp như nào trong kiếp trước, thì trong đời này cha mẹ hãy là những tấm gương sáng cho con cái về tu dưỡng đạo đức, hơn nữa cần có trách nhiệm giáo huấn con cái về phương diện này. Tu nhân tích đức, chỉ có như vậy mới mong sớm trả hết mối nghiệp duyên này.