Hán văn:
天 下 莫 柔 弱 於 水, 而 功 堅 強 者 莫 之 能 勝, 以 其 無 以 易 之. 柔 勝 剛, 弱 勝 強. 天 下 莫 不 知, 莫 能 行. 是 以 聖 人 云: 受 國 之 垢, 能 為 社 稷 主. 受 國 不 祥, 能 為 天 下 王. 正 言 若 反.
Phiên âm:
- Thiên hạ nhu nhược mạc quá ư thủy, nhi công kiên cường giả mạc chi năng thắng, kỳ vô dĩ dịch chi.[1]
- Nhu thắng cương, nhược thắng cường. Thiên hạ mạc bất tri,[2]mạc năng hành.
- Thị dĩ thánh nhân vân: Thụ quốc chi cấu, năng vi xã tắc chủ. Thụ quốc bất tường, năng vi thiên hạ vương. Chính ngôn nhược phản.
Dịch xuôi:
- Trong thiên hạ không gì mềm yếu hơn nước; thế mà nó lại công phá được tất cả những gì cứng rắn. Chẳng chi hơn nó, chẳng chi thay thế được nó.
- Mềm thắng cứng, yếu thắng mạnh, thiên hạ ai cũng biết thế, mà chẳng ai làm được.
- Cho nên thánh nhân nói: «Dám nhận lấy nhơ nhuốc của quốc gia, mới có thể làm chủ xã tắc, ai dám gánh chịu tai họa của quốc gia, mới có thể làm vua thiên hạ.» Lời ngay nghe trái tai.
Dịch thơ:
- Nước kia mềm mại mấy mươi,
Mà chi cứng rắn cũng xoi cũng mòn.
Trần gian chi dám tranh hơn,
Trần gian chi dám tính toan thay vì.
- Mềm này lại thắng cứng kia,
Yếu đua với khỏe, chiếm bề thượng phong.
Điều này ai cũng thuộc lòng,
Mà nào ai biết ra công thi hành.
- Thánh nhân đã nói phân minh:
«Dám kham nhục nước âu dành đế vương.
Giang vai gánh chuyện bất tường,
Cho dân cho nước, lý đương trị vì.»
Lời ngay nghe trái tai ghê.
BÌNH GIẢNG
Hà Thượng Công gọi chương này là Nhiệm tín. James Legge dịch là «Điều nên tin».
Điều nên tin là điều gì? Là Bạo lực không bao giờ gây ảnh hưởng lâu dài, bền bỉ, mà trái lại chỉ có sự khéo léo mềm mại mới chinh phục được lòng người.
Thiên nhiên đã chứng minh điều đó. Nước là cái gì mềm yếu nhất, uyển chuyển nhất mà thực ra đã xoi mòn được núi non, đã làm tan rã được sắt đá. Lão tử ưa thích sánh thánh nhân với làn nước (xem lại các chương 8, và 66 v. v.) và nhân đó cho rằng khiêm cung, từ tốn nhưng kiên nhẫn, bền bỉ sẽ đem tới một thành công vững vàng.
Lão tử cũng đã nhiều lần đề cao sự mềm mại, uyển chuyển và cho rằng đây mới là bí quyết để thủ thắng (xem lại các chương 36, 58, 76, v. v.)
Có lẽ các môn võ thuật của Á Đông sau này như nhu thuật 柔 術 (Jujutsu), nhẫn thuật 忍 術 (Ninjutsu); nhu đạo 柔 道 (Judo) cũng đã chịu ảnh hưởng của Lão tử.
Khảo lịch sử ta đã thấy Tần Thủy Hoàng, Hạng Võ, Hốt Tất Liệt không phải là những người làm chủ thiên hạ muôn đời; mà những người làm chủ thiên hạ muôn đời là những Thích Ca, Jesus, Lão tử, Khổng tử. Tất cả những vị giáo chủ này đều chủ trương từ bi, hỉ xả, «thành nhân chi mỹ». Thật đúng là: Nhu thắng cương, nhược thắng cường!
Trong chương này Lão tử còn chủ trương rằng: Bậc quân vương lãnh đạo quốc gia phải có gan nhận lãnh trách nhiệm về tất cả những chuyện hay dở xảy ra trong nước.
Đó cũng chính là thái độ của các vị đế vương xưa. Luận Ngữ chép: «[Vua Thành Thang khi lên ngôi] khấn với Trời rằng: Kẻ tiểu tử này tên Lý mạo muội dùng bò đen mà tế lễ. Dám xin minh cáo với Thượng đế chí tôn rằng: Kẻ có tội, tôi chẳng dám tha; người (có tài đức) đáng làm bầy tôi Thượng đế, tôi chẳng dám che dấu (mà chẳng cữ dùng). Nếu tôi gây nên tội, (xin phạt một mình tôi), đừng phạt bá tính muôn phương. Nếu bá tính muôn phương gây nên tội, cũng xin phạt một mình tôi thôi.» [3]
[1] Dịch 易: thay thế. Có bản phiên âm là dị, thiết tưởng không chỉnh, vì dị là dễ.
[2] Đây tôi theo Hà Thượng Công mà viết Thiên hạ mạc bất tri. Phần nhiều các bản Đạo Đức kinh viết là Thiên hạ mạc năng tri, nhưng lúc dịch thì lại dịch theo nghĩa của Thiên hạ mạc bất tri (Thiên hạ ai cũng biết).
[3] Viết: Dư tiểu tử Lý, cảm dụng huyền mẫu, cảm chiêu cáo vu hoàng hoàng Hậu Đế: hữu tội bất cảm xá. Đế thần bất tế, giản tại Đế tâm. Trẫm cung hữu tội, vô dĩ vạn phương; vạn phương hữu tội, tội tại Trẫm cung. 曰 予 小 子 履 敢 用 玄 牡 敢 昭 告 于 皇 皇 后 帝 有 罪 不 敢 赦 帝 臣 不 蔽,簡 在 帝 心 朕 躬 有 罪 無 以 萬 方 萬 方 有 罪,罪 在 朕 躬 Luận Ngữ, Nghiêu viết 堯 曰chương 20, câu 1.
Dư tiểu tử 予 小 子 và Dư nhất nhân 予 一 人 đều là tiếng tự xưng của đế vương cổ đại. Đọc Sử Ký 史 記 (Ân bản kỷ 殷 本 紀) ta biết tên vua Thang 湯 là Thiên Ất 天 乙, trong bốc từ giáp cốt viết là Đại Ất 大 乙, tương truyền vua Thang còn có tên là Lý 履 . (Chú thích của Dương Bá Tuấn 楊 伯 峻, Luận Ngữ Dịch Chú 論 語 譯 注, tr. 214)