Hán văn:
道 生 之, 德 畜 之, 物 形 之, 勢 成 之. 是 以 萬 物 莫 不 尊 道 而 貴 德. 道 之 尊, 德 之 貴, 夫 莫 之 命, 而 常 自 然. 故 道 生 之, 德 畜 之, 長 之, 育 之, 成 之, 熟 之, 養 之, 覆 之, 生 而 不有, 為 而 不 恃, 長 而 不 宰, 是 謂 玄 德.
Phiên âm:
- Đạo sinh chi, đức súc chi, vật hình chi, thế thành chi. Thị dĩ vạn vật mạc bất tôn Đạo nhi quí Đức.
- Đạo chi tôn, Đức chi quí, phù mạc chi mệnh, nhi thường tự nhiên.
- Cố Đạo sinh chi, Đức súc chi, trưởng chi, dục chi, thành chi, thục chi,[1]dưỡng chi, phú chi, sinh nhi bất hữu, vi nhi bất thị, trưởng nhi bất tể, thị vị huyền đức.
Dịch xuôi:
- Đạo sinh, Đức dưỡng, vật chất cho hình, hoàn cảnh tác thành (muôn vật). Cho nên muôn vật đều tôn Đạo, quí Đức.
- Sự cao trọng của Đạo Đức chẳng nhờ ai ban, mà Đạo Đức tự nhiên vốn đã cao trọng.[2]
- Cho nên Đạo sinh, Đức dưỡng, làm cho vạn vật lớn lên; dưỡng nuôi vạn vật, tác thành che chở vạn vật. Sinh vạn vật mà không nhận là của mình; làm mà không cậy công; làm cho lớn lên mà không đòi làm chủ, thế gọi là Đức nhiệm mầu.
Dịch thơ:
- Đạo sinh mà Đức dưỡng nuôi,
Khoác hình vật chất mà đời nên công.
Muôn loài nhớ tổ, nhớ tông.
Nên tôn Đạo cả, mà sùng Đức cao.
- Đạo cao, Đức cả từ bao,
Tự nhiên vốn dĩ đời nào nhờ ai.
- Đạo sinh mà Đức tài bồi,
Chăm nom dưỡng dục chẳng ngơi tác thành.
Sinh nhưng chẳng giữ cho mình,
Tác thành nào kể công trình trước sau.
Tuy hơn mà chẳng đè đầu,
Đó là Đức cả nhiệm mầu huyền vi.
BÌNH GIẢNG
Vạn vật nhờ Đạo sinh, Đức dưỡng, vật chất tạo hình hài, thời thế giúp thành công. Vì thế muôn loài luôn tôn sùng Đạo Đức. Tuy nhiên không phải nhờ muôn loài tôn sùng mà Đạo Đức mới trở nên cao cả. Đạo Đức vốn dĩ đã cao cả từ muôn thủa.
Đạo và Đức tuy hai mà một, tuy một mà hai. Đạo là bản thể, Đức là ứng dụng. [3] Đạo tản mạn thời là Đức, triển Dương thời là Đức.[4] Cho nên Đức là sự hiển dương của Đạo. [5] Như vậy ta đã biết Đạo là một nguyên lý siêu việt, là nguyên lý cấu tạo ra vạn vật. Còn Đức bao gồm tất cả các ảnh hưởng, các hiệu năng của Đạo để giúp cho muôn vật được đi tới thành toàn.
[1] Câu «thành nhi, thục nhi» 成 之 熟 之 là theo bản Wieger, Hà thượng Công. Các bản Vương Bật, Lưu Tư, v. v. lại viết là «đình chi, độc chi» 亭 之 毒 之.
[2] Nguyễn Duy Cần dịch: «Đâu phải tôn Đạo quí Đức là một phận sự bắt buộc, mà là một chiều hướng tự nhiên.» James Legge cũng dịch đại khái như vậy. Lối dịch của tôi phỏng theo Wieger, Stanislas Julien, v. v…
[3] Đạo thị Đức đích thể. Đức thị Đạo đích dụng. 道 是 德 的 體 . 德 是 道 的 用 . ― Lưu Tư, Bạch thoại giải thích Lão tử, tr. 129.
[4] Description pittoresque de 德tei, son action productrice continue et variée, par la métaphore 紀ki dévidage d’une bobine. Le sens est clair: 道 散 為 德 les produits divers du Principe, sont les manifestations de sa vertu; 德 為 道 之 紀 la chaine infinie de ces manifestations de la vertu du Principe peut s’appeler le dévidage du Principe. ― Wieger, Lao-tzeu, p. 29.
[5] La vertu dont parle ici l’auteur est la manifestation du Dao dans les créatures. ― Stanislas Julien, Le Livre de la Voie et de la Vertu, chap. 51, Commentaire I.