Hán văn:

道 生 一, 一 生 二, 二 生 三, 三 生 萬 物. 萬 物 負 陰 而 抱 陽, 沖 氣 以 為 和. 人 之 所 惡 唯 孤, 寡, 不 谷. 而 王 公 以 為 稱. 故 物 或 損 之 而 益. 或 益 之 而 損. 人 之 所 教, 我 亦 教 之. 強 梁 者 不 得 其 死. 吾 將 以 為 教 父.

Phiên âm:

  1. Đạo sinh nhất, Nhất sinh nhị, Nhị sinh tam, tam sinh vạn vật. Vạn vật phụ Âm nhi bão Dương, xung khí dĩ vi hòa.
  2. Nhân chi sở ố duy cô, quả, bất cốc. Nhi vương công dĩ vi xưng. Cố vật hoặc tổn chi nhi ích. Hoặc ích chi nhi tổn.
  3. Nhân chi sở giáo, ngã diệc giáo chi. Cường lương giả bất đắc kỳ tử. Ngô tương dĩ vi giáo phụ.

Dịch xuôi:

  1. Đạo sinh một, một sinh hai, hai sinh ba, ba sinh vạn vật. Trong vạn vật không có vật nào không cõng Âm và ôm Dương. Ở giữa là nguyên khí dung hòa.
  2. Cái mà người ta ghét là: côi cút, góa bụa, bất tài, bất lực. Thế mà vua chúa lại dùng nó để tự xưng. Như vậy thì sự đời bớt là thêm, thêm là bớt.
  3. Điều người xưa dạy, nay ta cũng dạy: Dùng bạo lực sẽ chết « bất đắc kỳ tử». Đó là lời của thày ta.

Dịch thơ:

  1. Đạo sinh ra chân nguyên Nhất thể,

Nhất thể sinh nhị khí Âm Dương.

Âm Dương biến hóa khôn lường,

Sinh, Thần, khí, chất rõ ràng bộ ba.

Bộ ba ấy sinh ra vạn vật,

Vạn vật luôn ôm ấp Âm Dương.

Lung linh cầm giữ mối giường,

Nhưng mà xung khí vẫn thường ẩn trong.

  1. Người đời ghét cô đơn, hèn hạ,

Nhưng vương hầu cô quả vẫn xưng.

Cho nên muốn tổn thời tăng,

Muốn tăng thời tổn lẽ hằng xưa nay.

Người xưa dạy câu này chí lý.

Ta cũng đem ta chỉ cho người:

«Xin đừng bạo động ai ơi,

Ai mà bạo động, chết thôi bạo tàn.»

Đó lời giáo phụ ta ban.

BÌNH GIẢNG

Chương này bàn về ba đề mục khá khác nhau:

  1. Bàn về cung cách Đạo hóa thành vạn hữu.
  2. Bàn về sự khiêm cung của vương hầu.
  3. Dạy đừng nên dùng bạo lực.
  4. Cung cách Đạo hóa thành vạn hữu

Câu «Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật», có thể giải được nhiều cách:

  1. Có người cho rằng: Đạo chính là Nhất, mà Nhất là «chân nguyên, nhất thể», là «xung hư chi nhất khí» hay nói nôm na rằng: «Đạo là nguyên khí.»

Nguyên khí ấy sinh ra Âm Dương (nhất sinh nhị).

Âm Dương sinh ra: Hình, khí, chất (nhị sinh tam) Hình khí chất sinh vạn vật. [1]

  1. Tôi cũng theo chủ trương này, duy chỉ đổi rằng: Âm Dương sinh ra Thần, Khí, Chất. Rồi Thần, Khí, Chất giao nhau sẽ sinh ra vạn hữu.
  2. Chu Hi cho rằng: Đạo là Thái cực, Nhất là Dương, Nhị là Âm. Tam là Âm Dương tác dụng lẫn nhau. Và cho rằng nếu coi Đạo là Nhất, thì làm sao nói được rằng Đạo sinh Nhất.[2]
  3. Tư Mã Quang cho rằng: Chữ «Đạo sinh Nhất» có thể hiểu được rằng: Đạo từ Vô trở thành Hữu, từ Vô danh trở thành Hữu danh.[3]
  4. «Lữ tổ Đạo đức kinh giải» cho rằng:

– Một là Nguyên Khí

– Hai là Âm Dương

– Ba là tam tài: Thiên địa nhân.

Thực ra điều chính yếu mà chúng ta nên ghi nhận ở đây là: Đạo không dựng nên vạn hữu, mà Đạo đã tự phân hoá mình thành vạn hữu. Cho nên ta thấy Lão tử viết tiếp: vạn vật:

– ngoài có Âm (Phụ Âm)

– trong có Dương (Bão Dương)

– trong cùng có Đạo, có «Xung hòa chi khí» ở giữa làm chủ chốt.

  1. Bàn về sự khiêm cung của vương hầu

Lão tử luôn khuyên người trên phải khiêm cung. Tự giảm giá trị mình, sẽ được người tăng giá trị. Nhược bằng cao ngạo, luôn muốn đề cao giá trị mình, thì sẽ bị người làm cho hạ giá trị.

  1. Dạy dừng nên dùng bạo lực

Lão tử khuyên chớ nên «bạo động» vì bạo động sẽ chết bạo tàn. Câu «Cường lương giả bất đắc kỳ tử» đã được khắc vào sau lưng của một người bằng vàng (hoặc bằng kim khí) để ở trước thềm đền thờ Hậu Tắc, tổ tiên của Nhà Chu. Như vậy Lão tử chỉ nhắc lại một lời khuyên của người xưa.

Chữ «giáo phụ» có thể hiểu được hai cách:

– Thầy của Lão tử.

– Lời dạy chính yếu của Lão tử.

Các sách thường giải: Đó là lời dạy chính yếu của Lão tử». Ở đây tôi dịch là «Giáo phụ ta», ý muốn nói rằng Lão tử cũng phải học hỏi người xưa rất nhiều, chứ không phải là «sinh nhi tri chi».

[1] Đạo do ư Vô nhi sinh «Xung hư chi nhất khí». Xung hư chi nhất khí» sinh Âm Dương nhị giả. Âm Dương nhị khí giao cảm hòa hợp sinh Hình, Khí, Chất tam giả. 道 由 於 無 而 生 沖 虛 之 一 氣. 沖 虛 之 一 氣 生 陰 陽 二 者. 陰 陽 二 氣 交 感 和 合 生 形, 氣, 質 三 者. Triết học, tr. 9.

[2] Thử Đạo tự tức Dịch chi Thái cực, nhất nãi Dương thuộc chi cơ, nhị nãi Âm số chi ngẫu. Tam nãi cơ ngẫu chi tích. Kỳ viết nhị sinh tam giả do sở vị nhị dữ nhất vi tam dã. Nhược Đạo dĩ Nhất vi Thái cực, tắc bất dung ngôn Đạo sinh Nhất hĩ. 此 道 字 即 易 之 太 極, 一 乃 陽 屬 之 奇, 二 乃 陰 數 之 偶. 三 乃 奇 偶 之 積. 其 曰 二 生 三 者 由 所 謂 二 與 一 為 三 也. 若 道 以 一 為 太 極, 則 不 容 言 道 生 一 矣 . Đáp Trình Thái Chi 答 程 泰 之 (Chu Hi, tr. 112)

[3] Xem J. Legge, The Textes of Taoism, p. 134.

ban may cat sat makita