Hán văn:

昔 之 得 一 者. 天 得 一 以 清. 地 得 一 以 寧. 神 得 一 以 靈. 谷 得 一 以 盈. 萬 物 得 一 以 生. 侯 得 一 以 為 天 下 貞. 其 致 之一 也. 天 無 以 清, 將 恐 裂. 地 無 以 寧, 將 恐 廢. 神 無 以 靈, 將 恐 歇. 谷 無 以 盈, 將 恐 竭. 萬 物 無 以 生, 將 恐 滅. 侯 王 無 貴 高, 將 恐 蹶. 故 貴 以 賤 為 本. 高 以 下 為 基. 是 以 侯 王 自 謂 孤 寡, 不 穀. 此 其 以 賤 為 本 耶? 非 乎? 故 致 數, 譽 無 譽. 不 欲 琭 琭 如 玉, 珞 珞 如 石.

Phiên âm:

  1. Tích chi đắc nhất giả. Thiên đắc Nhất[1]dĩ thanh. Địa đắc Nhất dĩ ninh. Thần đắc Nhất dĩ linh. Cốc đắc Nhất dĩ doanh. Vạn vật đắc Nhất dĩ sinh. Hầu vương đắc Nhất dĩ vi thiên hạ trinh.[2] Kỳ trí chi Nhất dã.[3]
  2. Thiên vô dĩ thanh, tương khủng liệt.[4]Địa vô dĩ ninh, tương khủng phế.[5] Thần vô dĩ linh, tương khủng hiệt.[6] Cốc vô dĩ doanh tương khủng kiệt. [7] Vạn vật vô dĩ sinh, tương khủng diệt.[8] Hầu vương vô quí cao, tương khủng quyết. [9]
  3. Cố quí dĩ tiện vi bản. Cao dĩ hạ vi cơ.[10]Thị dĩ hầu vương tự vị cô quả, bất cốc.[11] Thử kỳ dĩ tiện vi bản da ? Phi hồ ? [12]
  4. Cố trí số, dư vô dư.[13]Bất dục lục lục [14] như ngọc, lạc lạc như thạch.[15]

Dịch xuôi:

  1. Những vật xưa được Đạo: Trời được Đạo, nên trong. Đất được Đạo, nên yên. Thần được Đạo, nên linh. Hang được Đạo, nên đầy. Vạn vật được Đạo, nên sống. Hầu vương được Đạo, nên trị vì thiên hạ. Đều là do đạt Đạo mà nên.
  2. Trời không có Đạo (để) trong, sẽ vỡ. Đất không có Đạo (để) yên sẽ lở. Hang không có Đạo (để) đầy, sẽ cạn. Thần không có Đạo (để) linh, sẽ tán. Vạn vật không có Đạo (để) sống, sẽ tuyệt. Hầu vương không có Đạo (để) được sang cả, sẽ bị diệt vong.
  3. Cho nên sang lấy hèn làm gốc. Cao lấy thấp làm nền. Vì thế bậc vương hầu xưng mình là «côi cút» là ít đức, là «vô dụng», thế không phải là lấy hèn làm gốc hay sao ?
  4. Phân tách cho cùng, tất cả đều là hư danh (xe không là xe) không muốn coi ai quý như ngọc, hay hèn như đá.[16]

Dịch thơ:

  1. Được Hóa công xưa nay thế cả,

Trời có Ngài nên hóa trong xanh.

Nhờ Ngài nên đất an ninh,

Chư thần nhờ thế uy linh nhiệm mầu.

Có Hóa công, hang sâu hóa đặc, [17]

Nhờ có Ngài muôn vật tốt tươi,

Vương hầu cũng dựa đức người,

Trị vì thiên hạ thảnh thơi an bình.

Trăm điều cũng một mối manh,

Muôn loài cũng một khuôn xanh lo lường.

  1. Trời mất Ngài, tan hoang xơ xác,

Đất không Ngài, bạt lạc nát tan,

Không Ngài, thần cũng lầm than,

Không Ngài, hang thẳm lại hoàn hư vô.

Vật mất Ngài sa cơ hủy diệt,

Nước không Ngài, vua hết quyền uy.

  1. Xưa nay quý tiện tương tùy,

Cao không có thấp lấy chi làm nền.

Nên vua chúa tự khiêm tự hạ,

Tự nhún mình: «Cô quả», «đớn hèn»,

Phải chăng, hèn kém là nền,

Phải chăng tự hạ, mới bền quyền uy.

  1. Cũng lẽ ấy đem suy nhân sự,

Coi mọi người một lứa như nhau.

Ta không phân biệt thấp cao,

Người nào là ngọc, người nào là than. [18]

BÌNH GIẢNG

Chương này có thể chia làm hai phần:

– phần 1 nói về Đạo,

– phần 2 nói về sự khiêm cung mà người cầm quyền cần phải có.

  1. Đạo là căn cốt muôn loài

Chương này Lão tử thay vì dùng chữ Đạo, lại dùng chữ Nhất. Tại sao ? Vì chữ Nhất là số 1, là số sinh ra mọi số khác. Cho nên số 1 tượng trưng cho Đạo là căn nguyên sinh ra vạn vật.

Sách Kim đơn đại chỉ quyết 金 丹 大 旨 訣 viết: «Đạo là một, một là Tiên thiên, Tiên thiên là Thái cực. Nho gia gọi là Thái cực; Phật gia gọi là Viên giác; Đạo gia gọi là kim đơn, đều là số một ấy. Cho nên khi chưa có trời đất đã có Thái cực. Thái cực chính là tổ khí sinh ra trời đất là mẫu khí sinh ra vạn vật… Thái cực là thuần thể, trời đất là phá thể. Từ thuần thể sinh ra phá thể. Nay muốn phản bản hoàn nguyên phải nhờ phá thể mà trở về thuần thể…» [19]

Như vậy, muôn loài sống động muốn phát triển đều phải dựa nương vào Đạo, cũng như cành lá muốn tươi tốt, phải nương vào gốc rễ.

Cho nên, nếu muôn loài mà tách rời khỏi Đạo sẽ lâm cảnh lầm than, sa đọa. Đó là một định luật phổ quát.

Trung Dung viết: «Đạo giả dã bất khả tu du ly dã.» 道 者 也 不 可 須 臾 離 也 (Đạo không lìa ta một phút giây) (chương một).

Lại viết: «Thể vật nhi bất khả di.» 體 物 而 不 可 遺 (lồng trong vạn vật mà không tách rời ra được) (Trung Dung, chương 16).

Nếu vậy thì chúng ta làm sao có thể tính toán công chuyện gì riêng tư, ngoài Đạo được. Sóng bể chỉ hùng tráng nhờ vào sức mạnh của trùng dương. Sóng bể tách rời khỏi trùng dương sẽ vô giá trị. Suy ra, mỗi người chúng ta cũng vậy. Nếu hợp với Đạo thì hay, nếu lìa xa Đạo thì dở.

  1. Người cầm quyền phải khiêm cung

Đoạn cuối khuyên người cầm quyền phải khiêm cung. Từ ngàn xưa, trong khi xưng hô, người cầm quyền luôn luôn tỏ ra từ tốn và xưng mình là: Cô gia; quả nhân. Và hơn nữa, nhà cầm quyền cũng không nên khinh dân, vì dân chính là căn bản, là chốn dựa nương đích thực của mình.

Kinh Dịch nơi quẻ Bác cũng dạy:

«Bác là núi tựa đất dầy,

Người trên hãy xử đặn đầy với dân.

Với dân đầy đặn ở ăn,

Rồi ra địa vị tư thân vững vàng. [20]

[1] Nhất 一 : Đạo, Thái cực.

[2] Hà Thượng Công chép là: Dĩ vi thiên hạ chính 以 為 天 下 正.

[3] Hà Thượng Công chỉ chép: Kỳ trí chi 其 致 之 (không có chữ nhất dã 一 也).

[4] Liệt 裂: tan vỡ.

[5] Có nhiều bản viết là phát 發. Phế 廢: đổ nát.

[6] Hiệt 歇: hết.

[7] Kiệt 竭: hết.

[8] Diệt 滅: tan mất.

[9] Quyết 蹶: hư hỏng, đổ nát.

[10] Cơ 基: nền móng.

[11] Bất cốc 不 穀: không tốt. Không được như lúa má (ngũ cốc) nuôi sống con người.

[12] Có bản chép: Thử phi dĩ tiện vi bản da? 此 非 以 賤 為 本 邪 (Hà Thượng Công).

[13] Hà Thượng Công chép: Cố trí số, xa vô xa. 故 致 數 車 無 車 .

[14] Lục lục 琭 琭: ít ỏi, đẹp đẽ.

[15] Lạc lạc 珞 珞 : nhiều nhặn, xấu xí.

[16] Wieger dịch: Appliquant le même principe de la simplicité dans leur gouvernement, qu’ils réduisent les multitudes de leurs sujets à l’unité, les considérant comme une masse indivise avec une impartialité sereine, n’estimant pas les uns précieux comme jade et les autres vils comme cailloux. Cf. Les Pères du système Taoïste, p. 44.

[17] Nhiểu bản dịch: không muốn được quí như ngọc, bị khinh như sỏi.

Xem các bản dịch của James Legge, Nguyễn Duy Cần, Nghiêm Toản. Đây tôi theo Wieger, dịch như trên, ý muốn nói lên rằng người đạo hạnh không nên quá trọng ai, hoặc quá khinh ai.

[18] Dịch là than thay sỏi cho đẹp vần thơ.

[19] Xem Kim đơn đại chỉ quyết, tr. 1.

[20] Tượng viết: Sơn phụ ư địa. Bác. Thượng dĩ hậu hạ an trạch. 象 曰 山 附 於 地 . 剝 . 上 以 厚 下 安 宅 (quẻ Bác 剝, Đại Tượng truyện.) Xem Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê, Dịch Kinh Đại Toàn, tập II (Thượng Kinh), tr. 289.

ban may cat sat makita