Nguyên văn

Chứng thực tướng, vô nhân pháp
Sát na diệt khước a tì nghiệp.
Nhược tương vọng ngữ cuống chúng sinh,
Tự chiêu bạt thiệp trần sa kiếp.

Đốn giác liễu Như Lai thiền,
Lục độ vạn hạnh thể trung viên.
Mộng lý minh minh hữu lục thú,
Giác hậu không không vô đại thiên.

Vô tội phước, vô tổn ích,
Tịch diệt tánh trung mạc vấn mịch.
Tỉ lai trần kính vị tằng ma,
Kim nhật phân minh tu phẫu tích

Dịch

Thấy tướng thật, bặt ý riêng,
Chớp nhoáng rủ sạch vô số nghiệp.
Nếu cứ khoa trương dối chúng sinh,
Mang tội rút lưỡi đến mạt kiếp.

Thoắt thấy trọn Như Lai thiền,
Sáu độ, muôn hạnh được tròn nguyên.
Trong mộng mơ màng còn sáu nẽo,
Tỉnh ra bằng bặt chẳng còn gì.

Không tội phước, không tổn ích,
Trong tánh vắng lặng đừng hỏi bắt.
Bấy lâu gương bụi chưa từng lau,
Nầy lúc rõ ràng nên giải quyết.

Thấy tướng thật, bặt ý riêng,
Chớp nhoáng rủ sạch vô số nghiệp.
Nếu cứ khoa trương dối chúng sinh,
Mang tội rút lưỡi đến mạt kiếp.

Lời bình

Thực tướng (Tathatâ) tức là tánh thật của muôn sự vật. Có thể nói khái niệm thực tướng là ngọn cờ của Đại Thừa.

Sát na (ksana) là đơn vị thời gian bằng 1 phần 6.480.000 của một ngày 24 giờ, hay 1 phần 14.000 của giây. Ở đây có thể hiểu sát na là nhanh như chớp nhoáng, thời gian bùng lóe của một ý nghĩ.

Nghiệp (karma) thường bị hiểu sai lầm là định mệnh. Trong tiếng Phạn, karma là danh từ của động từ karoti nghĩa là làm; do đó, karma tiêu biểu cho những hành vi tự ý (nhân) tạo ra những kết quả (quả) có thể đưa vào 10 cảnh giới của tâm. (xem mục 5 :”Thái độ tinh thần” của chương II : Phương pháp tọa thiền”). Như vậy, nghiệp, hiểu theo Phật giáo, là những hành vi tạo tác bằng tư tưởng (ý nghiệp), bằng lời nói (khẩu nghiệp), bằng thể xác (thân nghiệp). Theo nghĩa nầy, thiên đàng và địa ngục đều là những trạng thái tâm hồn.

Đoạn thứ ba nầy cũng là một chứng minh cho chân lý mà Đại Sư Huyền Giác nói đến, đó là Chân Phật giáo, Chân Thiền.

Thiền của Phật là chỉ quán lập tọa, tọa thiền, hình thức thiền cao nhất trong các loại thiền được xếp thứ tự từ thấp đến cao như sau:

Địa ngục thiền (naraka zen, jigoku zen): thiền đau khổ cùng cực.

Ngạ quỷ thiền (preta zen, gaki zen): thiền tham lam, đắm chìm trong tình trạng quỹ đói, thèm khát không nguôi.

Súc sinh thiền (tiryag yoni zen, chikuso zen): thiền thú vật, có đặc tính hôn trầm, mê mẫn trong dục vọng cảm giác.

  • A Tu La thiền (asura zen, shura zen): thiền hiếu chiến, thích gây hấn.
  • Nhân thiền (masnusya zen, ningen zen): thiền phúc lạc bản thân, tự yêu mình.
  • Đề bà thiền, Thiên thiền (deva zen, tenjo zen) : thiền phúc lạc bản thân, tự yêu mình.
  • Thanh văn thiền (sravaka zen, shomon zen) : thiền theo giáo điều, y theo kinh điển, cố chấp.
  • Duyên giác thiền (paratekya bouddha zen, engaku zen) : thiền của “Phật Tự Độ”, không truyền giáo, nên không độ được người khác.
  • Bồ Tát thiền (bodhisatta zen, bosatsu zen) : chân thiền, vị tha, thiền của những bậc sẽ thành Phật bằng cách tọa thiền.
  • Phật thiền (bouddha zen, nyorai zen), còn gọi là Như Lai thiền : đây là hình thức thiền cao nhất, phi tư lương, chỉ quán lập tọa, vượt ngoài vòng hữu tâm và vô tâm, chỉ có ngồi, không mục đích, hư không, cách ngồi của Đức Phật dưới cội cây Bồ Đề, đắc quả chánh giác của Phật, lắng yên thật sự, tự do hoàn toàn.

Khi đã đạt đến cảnh giới Như Lai Thiền, ta biết được trong ấy có tất cả đức tướng Như Lai: lục độ ba la mật và muôn hạnh. Ba la mật (paramita) là toàn thiện, tối thượng thừa, là “làm cho đến cùng”, “làm cho rốt ráo”.

Trong Phật giáo có nhiều hệ thống ba la mật, có hệ thống gồm 10 điều, hệ thống gồm 6 điều. Ở đây chỉ nói đến hệ thống sáu điều, đó là :

  • Bố thí Ba la mật (dana paramita);
  • Trì giới Ba la mật (sila paramita);
  • Nhẫn nhục Ba la mật (ksanti paramita);
  • Tinh tấn Ba la mật (viriya paramita);
  • Thiền định Ba la mật (dhyana paramita);
  • Trí tuệ Ba la mật (prajna paramita);

Sáu Ba la mật nầy còn gọi là Lục Độ (độ là cứu chữa) vì:

  • Bố thí độ tham lam.
  • Trì giới độ phá giới.
  • Nhẫn nhực độ sân nhuế (giận gữ)
  • Tinh tấn độ giải đãi (nhác nhớm)
  • Thiền định độ tán loạn.
  • Trí tuệ độ ngu si.

Trong cảnh giới Như Lai (Phật) chẳng còn lục đạo hay lục thú tức sáu đường sanh, sáu nẻo luân hồi theo nghiệp quả. Đó là sáu cảnh hay trạng thái luân chuyễn của tâm tùy tác nghiệp (karma) :

  • Cảnh địa ngục (Naraka). 2.-Cảnh ngạ quỷ (Preta).
  • Cảnh súc sanh (Triyag yoni) 4.-Cảnh A Tu La (Asura).
  • Cảnh người (Manusya). 6.-Cảnh trời (Deva).

Đời người với 6 cảnh ấy chẳng khác gì một giấc chiêm bao !.

Các nhà triết thi phương Tây như GOETHE và SHAKESPEARE cũng có nói :”Đời người như giấc mộng”. Đời các đại đế Alexandre, Cesar, Thành Cát Tư Hản, Tần Thủy Hoàng chẳng giống giấc mộng đó sao ? Mộng chinh phục, mộng vinh quang, mộng huy hoàng rực rỡ, phú quý công danh tột bực, nhưng rốt cuộc còn lại những gì !? Chẳng qua chỉ còn lại một vài trang sử sách !.

Khi tọa thiền, có nhiều tà niệm, phiền não nổi lên, thì chỉ việc xem đó là một giấc mơ, chẳng cần xua đuổi, chẳng cần ngăn chận. Tọa thiền đúng thế giúp ta thấy tất cả điều đó như một giấc mơ hư ảo. Như vậy, chẳng cần cố tìm thấy cái thực, tâm cũng tự động yên lặng, trở lại trạng thái bình thường, thanh thoát.

Ghi chú: Người tu thiền hay Trị Tâm Bệnh ở vào thời buổi hiện nay nên đặc biệt lưu ý sự việc nầy. Nếu như không khéo hiểu biết thì sẽ làm mất thì giờ tốn công nhọc sức vô ích mà thôi – Thiền Sư T. THANH PHƯỚC.

ban may cat sat makita