Trong lịch sử nhân loại, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa – giáo dục có lẽ chưa có một người nào lại chiếm được vị trí độc tôn, phi phàm như Khổng Tử. Ngài không những là tấm gương sáng về người thầy của muôn đời mà thế hệ sau còn ngưỡng mộ với sự ham học, không ngừng suy xét vấn đề của Khổng Tử.
Một người học trò chăm chỉ…
Sư Tương Tử, vị quan Lạc thời Xuân thu, là người rất giỏi về âm nhạc. Theo sử sách ghi lại, Khổng Tử từng bái ông làm thầy để học nhạc.
Khổng Tử học hành chăm chỉ, vừa học vừa không ngừng suy xét. Ban đầu ông được Sư Tương Tử dạy một từ khúc, tập đến 10 ngày mà Khổng Tử vẫn còn tiếp tục tập luyện. Sư Tương Tử nói với Khổng Tử:“Tạm ổn rồi, học từ khúc khác thôi!”
Khổng Tử đáp: “Trò mới nắm được nhạc điệu, chưa nắm vững được kỹ xảo”.
Lại một ngày nữa trôi qua, Sư Tương Tử thấy Khổng Tử đã nắm vững được kỹ xảo liền nói: “Trò đã nắm vững được kỹ xảo, có thể học từ khúc khác được rồi!”.
Nhưng Khổng Tử lại thấy vẫn chưa ổn bèn thưa: “Trò chưa lĩnh hội được tình cảm và tư tưởng ẩn chứa trong từ khúc này!”
Sau một hồi lâu, Sư Tương Tử lại nói với Khổng Tử: “Trò đã thể hiện ra được tình cảm và tư tưởng trong từ khúc đó rồi, chúng ta học từ khúc mới đi!”
Khổng Tử lại nói: “Trò vẫn chưa cảm được người làm ra từ khúc này là người thế nào!”
Thế rồi Khổng Tử lại tiếp tục tập luyện. Cứ như thế qua một thời gian dài.
Đến một hôm, Khổng Tử vui mừng chạy đến bên Sư Tương Tử thưa: “Trò đã hình dung được tác giả của từ khúc rồi. Đó là người có khuôn mặt trang nghiêm, dáng cao cao, hai mắt ngước lên nhưng lòng luôn nghĩ: Lấy đức phục người, cảm hóa thiên hạ! Ngoài Chu Văn Vương còn có thể là ai?”
Sư Tương Tử phấn khởi nói: “Không sai, từ khúc này chính là của Chu Văn Vương!”
Một vị thầy kiệt xuất…
Khổng Tử là nhà giáo dục vĩ đại, các học trò của Khổng Tử được ông giáo dục bằng phương pháp tiến bộ, ông cũng giỏi phân biệt những đặc điểm khác nhau của từng học trò, từ đó tìm cách phát huy sở trường của mỗi người.
Một lần, Khổng Tử và Công Tây Hoa ngồi nói chuyện với nhau. Tử Lộ đi tới hỏi Khổng Tử: “Thưa thầy, sau khi nghe được một việc gì đó có nên đi làm ngay không?”
Khổng Tử trả lời: “Không thể làm thế! Còn có thân phụ, anh trai, sao không bàn với họ mà vừa nghe thấy đã đi làm?”
Một lúc sau, Nhiễm Hữu Dã lại đến hỏi Khổng Tử: “Thưa thầy, lúc nghe được việc gì đó có nên đi làm ngay không?”
Khổng Tử trả lời: “Phải, sau khi nghe xong hãy đi làm ngay”.
Cùng một câu hỏi của Tử Lộ và Nhiễm Hữu Dã nhưng Khổng Tử trả lời hai cách trái ngược nhau, thấy thế Công Tây Hoa ở bên cạnh không khỏi cảm thấy mơ hồ.
Công Tây Hoa hỏi: “Thưa thầy, tại sao Tử Lộ và Nhiễm Hữu Dã hỏi giống nhau nhưng thầy lại trả lời trái ngược nhau thế? Trò thấy khó hiểu quá, xin mạnh dạn hỏi thầy”.
Khổng Tử giải thích: “Nhiễm Hữu Dã thường ngày làm việc gì cũng e dè, do dự thiếu quyết đoán. Vì thế ta muốn trò ấy can đảm hơn, kiên quyết hơn. Tử Lộ thì đầy khí phách, hành động dũng cảm nhưng hay lỗ mãng. Vì thế ta muốn trò ấy phải dè chừng lại, cẩn trọng hơn”.
Công Tây Hoa nghe xong mới bừng tỉnh, ngày càng thêm kính trọng và khâm phục Khổng Tử.