Thần thú, là những loài động vật biểu tượng cho cát tường như ý, ví dụ như: long (rồng), phượng (phượng hoàng), lân (kỳ lân), tì hưu … Tướng mạo những thần thú này đều rất đặc sắc, khí chất thần thánh uy nghiêm, hơn nữa còn tràn đầy linh tính. Những thần thú này từ nhiều phương diện đã thâm nhập và đời sống người dân Việt Nam nói riêng và phương Đông nói chung.
Vạn Thú chi Vương – Long (Rồng)
Rồng là Vạn Thú Chi Vương, là biểu tượng đế vương và là Thần vật uy nghiêm không thể xâm phạm. Thần long trên trời sinh dị năng, thân rồng dài phủ kín vảy giống như cá, có thể sinh sống trong nước sông, hồ, biển cả, dâng lên từng trận từng trận sóng cả. Thần uy mãnh vô song, bờm sư tử, sừng hươu, râu hùm, móng chim ưng, có thể đi lại tự nhiên trên đất liền, lại có thể bay thẳng lên trời, nuốt gió phun mưa.
Các linh thú trên trời nhất nhất phục tùng lệnh của rồng. Chấp hành theo Thần là không trái nghịch với thiên mệnh, người người đối với Thần vừa có phần tôn kính, lại có phần cảm thấy sợ hãi. Rồng là linh thú toàn năng có thể phi thiên nhập địa, hành vân du thủy. Truyền thuyết kể rằng, rồng sẽ chiểu theo mệnh lệnh của thiên thượng, đem nước trong sông suối, hồ, biển cả lên trời, lại dựa trên lệnh trời mà phóng nước xuống nhân gian.
Lượng mưa nhiều ít bao nhiêu có quan hệ rất hệ trọng đối với thu hoạch nông nghiệp, mọi người không thể không khẩn cầu rồng, với tư cách là thần thú làm mưa, có thể thương cảm nỗi khó khăn của đời sống con người. Mọi người cứ như thế hình thành một cảm giác kính sợ đối với rồng, bởi vì rồng làm mưa như thế nào, làm mưa vào giờ nào sẽ quyết định rất lớn đối với tồn vong của con người.
Mọi người thường cung kính gọi rồng là “Long vương”. Long vương tức chỉ thần trông coi mưa gió, quản lý sông hồ. Long vương phải lên trời định kỳ để báo cáo chuyện làm mưa. Thế nhưng, các vị long vương đều rất cẩn thận tỉ mỉ chấp hành thánh dụ của Thiên Đế, nhất là sau khi bị những việc ác không thể tha thứ của loài người chọc giận, các thần sẽ dùng thần lực cho mưa gió xuống trừng phạt con người.
Nước có thể làm người sống, cũng có thể làm người chết. Khi mưa to thành họa, mọi người đều giống nhau phải dựa vào việc “câu thông” với rồng để xin Thần cho mưa ngừng lại. Ví dụ: trong những năm khai nguyên nhà Đường, thiên hạ đại hạn, Đường Huyền Tông phải cho người lập đàn cầu mưa, không ngờ rằng mưa rơi quá mạnh, cỏ dại tràn lan. Trong lúc lo lắng, Đường Huyền Tông lại nghe lời cao nhân chỉ điểm, cho làm 5, 6 con rồng bằng bùn trong tự viện. Lại sai người vừa hắt nước lên thân rồng bùn, vừa đọc lớn chú ngữ. Chỉ chốc lát sau, quả nhiên sau cơn mưa trời lại sáng.
Với tư cách là linh vật trong truyền thuyết. Trên người rồng kết tụ hai chủng đặc trưng là “nhân ái” và “uy nghiêm”. Thần vì con người cho mưa xuống, nuôi dưỡng vạn vật, mang lại cho con người ân huệ lớn lao; thế nhưng khi Thần nhìn thấy con người phản trời, phản đất, không làm việc thiện còn việc ác thì vô kể, Thần cũng sẽ không chút lưu tình mà nghiêm trị, thể hiện mặt uy nghiêm, như đại hạn, úng lụt nặng, đại hồng thủy, đó chính là lúc Long vương đang hành theo Thiên đạo.
Cát Tường Chi Điểu – Phượng (phượng hoàng)
Phượng là Bách Điểu Chi Vương, biểu tượng điềm lành. Con trống gọi là “Phượng”, con mái gọi là “Hoàng”. Phượng có bề ngoài vô cùng hoa mỹ, trong “Nhĩ Nhã” miêu tả là: “đầu gà, cằm yến, mai rùa, đuôi cá, ngũ sắc, cao hơn 6 xích (1 xích = ⅓ mét)”. Nếu như nói đặc điểm biểu hiện ra của rồng là năng lực khiến người ta kính sợ vô hạn, thì phượng biểu hiện ra chính là mỹ mạo không gì sánh kịp.
Mọi người cho rằng, Phượng hoàng bay lượn có sức mạnh thần kỳ “câu thông thiên địa”, hơn nữa lại là loài chim mỹ lệ, thiện lương đệ nhất thiên địa, là biểu tượng của điềm lành. Truyền thuyết kể rằng Phượng hoàng đản sinh từ “nước quân tử phương đông”, đến tiên cảnh Côn Lôn, chỉ cần Thần đậu ở Đan Huyệt buổi tối, trong ngày đó sẽ chào đón việc trọng đại an bình.
Trong “Sơn Hải Kinh”, những vị trí trên thân phượng hoàng đều đại biểu cho những mỹ đức khác nhau: “Đan Huyệt chi sơn… hữu điểu yên; kỳ dạng như kê, ngũ thái chi văn, danh viết phượng hoàng; thủ văn viết đức, dực văn viết nghĩa, bối văn viết lễ, ưng văn viết nhân, phúc văn viết tín; ẩm thực tự nhiên, tự ca tự vũ, kiến khắc thiên hạ an ninh”. “Văn” ở đây tức là “văn” (hoa văn), “ưng” tức chỉ “hung” (ngực). Có thể tưởng tượng ra phượng hoàng bay đến đâu, mang theo những ý nghĩa “đức”, “nghĩa”, “lễ”, “nhân”, “tín” đến đó, mà vô luận chỗ nào đầy đủ những đức hạnh tốt đẹp đó, thì Thần tất nhiên nhất định nghênh đón một thời đại tốt đẹp hòa bình cát tường.
Thế kỷ 12 TCN, Chu Thành Vương tinh minh dũng cảm dốc sức vì nước, sáng lập nên thời đại giàu mạnh, trù phú và đông đúc. Các nước phía Nam đều thần phục ông, các chư hầu cùng ông liên kết đồng minh, người đương thời liên dùng câu thơ “Phượng hoàng minh hĩ, vu bỉ cao cương; Ngô đồng sinh hĩ, vu bỉ trào dương”; (Tạm dịch: Phượng hoàng đã cất tiếng hót, ở trạm gác cao kia; Cây ngô đồng sinh rồi, nơi ánh sáng Mặt trời) để hình dung tình cảnh thời bấy giờ.
Theo thời gian trôi, Phượng hoàng được trao cho nhiều tính cách phong phú. Thần “Hỷ hỏa”, “Thượng khiết”, “Hảo đức”, “Thị mỹ”. Người xưa nói hướng đến Phượng hoàng tức là hướng đến cuộc sống hạnh phúc. Khi Phượng hoàng trong truyền thuyết trở thành biểu tượng của một loạt danh từ tốt đẹp như “cát tường như ý” … thì chỉ cần niệm tên Thần sẽ cảm nhận được sự khuây khỏa đủ đầy sung sướng.
Nhân Đức Chi Thú – Kỳ lân
Phượng là Cát Tường Chi Điểu, còn Kỳ lân là Cát Tường Chi Thú. Đầu Thần giống như đầu rồng, thân giống như lộc, mắt giống như sư tử, lưng như hổ, vai phủ vây cá, đạp móng ngựa, uy phong bát diện. Thời cổ đại, Kỳ lân được xem như tường thú (“tường” trong “cát tường”), nhân thú (“nhân” trong “nhân đức”). Truyền thuyết kể rằng chỉ có khi thái bình thịnh thế, thánh nhân tham gia chính sự, thì Kỳ lân mới xuất hiện.
Trong “Tả Truyền” có ghi lại một câu chuyện như vậy. Lỗ Ai Công, mùa xuân năm thứ 14, Thúc Tôn Thị bắt được một con dã thú tướng mạo kỳ lạ, mọi người lo lắng rằng con dã thú này biểu tượng cho điềm xấu, liền đến hỏi ý kiến Khổng Tử. Sau khi xem xong, Khổng Tử cho rằng đây chính là Kỳ lân.
Vì mọi người tin tưởng Kỳ lân có thể mang đến cho mình may mắn nên Kỳ lân lại càng được xem như dấu hiệu của minh chủ giáng sinh. Đế vương các triều đại đều rất thích dùng trang sức, kiến trúc có hình Kỳ lân, như thúc giục chính mình tiến bộ, cầu phúc cầu may.
So với mong ước mãnh liệt về chính trị của các vị đế vương đối với Kỳ lân, thì trong suy nghĩ của dân chúng, Kỳ lân lại bình hòa nhiều hơn, là hóa thân của thiện lương và mỹ đức, tượng trưng cho cát tường và hạnh phúc. Truyền thuyết kể rằng, trước khi Khổng Tử giáng sinh từng có ngọc Kỳ lân chiếu cố đến nhà ông, vẫn còn nhả ra trong nhà ông sách ngọc. Vì thế, dân gian luôn có cách nói “Kỳ lân tiễn tử”, mọi người đều hy vọng rằng Kỳ lân thiện lương có thể ban cho chính đứa con của minh sự đáng yêu và thông minh.
Tục ngữ nói: “Thiên thượng kỳ lân nhi, địa thượng trạng nguyên lang”. Dân chúng yêu thích hình dung những đứa trẻ thông minh kia là “Kỳ lân nhi”. Trong dân gian, bức tranh ‘Kỳ lân tiễn tử’ luôn được hoan nghênh. Ngoài ra, mọi người còn thường xuyên chọn những đồ trang sức hình Kỳ lân làm lễ vật tặng cho những đứa trẻ, chúc phúc cho trẻ sớm ngày trở thành trụ cột của quốc gia.
Linh Thiện Chi Thú – Tì hưu
Tì hưu (Âm bì hưu), bộ dạng thoạt nhìn rất hung ác, Thần cũng là Long chi tử. Mặt mạnh mẽ như sư tử, hai mắt nhô lên cùng răng nanh dài nhọn. Thế nhưng, sự hung ác, hung hãn của Thần nhằm vào những yêu ma làm loạn thế gian và dịch bệnh nguy hại cho nhân gian; còn đối với nhân loại mà nói, Thần lại là biểu tượng điềm lành, là Linh Thiện Chi Thú.
Thần có cái miệng rộng có thể nuốt vạn vật, nhưng lại không dùng hậu môn bài tiết. Đặc điểm “chỉ vào chứ không có ra” này của Thần rất được những người tham lam yêu thích, họ đều hy vọng vàng bạc tài phú giống như tì hưu nuốt vạn vật, liên tục không ngừng chảy vào túi của mình. Mặt khác, do Thần đối với chủ nhân rất trung thành tận tâm, lại phẩm tính chính trực nên dân gian luôn xem Thần với tư cách linh thú giữ nhà bảo hộ, trấn hung trừ tà. Đáng nhắc tới chính là, trên đầu Tì hưu mọc sừng, phân ra làm 2 loại là có 1 sừng và 2 sừng, mọc 1 sừng gọi là “Thiên lộc”, 2 sừng là “Trừ tà”.
Về căn nguyên của “Thiên lộc” và “Trừ tà”, trong “Sử Ký” có ghi lại như thế này: “Vào thời Hiên Viên, thế nhà Thần Nông đã suy đồi. Chư hầu đánh phá lẫn nhau, tàn hại trăm họ, nhà Thần Nông không ngăn phạt được. Hiên Viên bèn trau dồi binh cụ, tiến đánh những nơi không triều thuận, các chư hầu vì thế đều chịu phục tùng; duy có kẻ hung bạo nhất là Viêm Đế vẫn chưa chinh phạt được. Viêm Đế muốn xâm lăng chư hầu, các chư hầu đều về với Hiên Viên. Hiên Viên bèn tu sửa đạo đức; chấn chỉnh binh bị; tùy thời tiết trồng ngũ cốc, cây cỏ; phủ dụ chúng dân, thăm hỏi bốn phương; huấn luyện các loài cầy, gấu đen, gấu trắng, hổ, báo đánh nhau với Viêm Đế tại cánh đồng Phản Tuyền. Sau ba trận, ông được đắc chí”.
Hiên Viên ở đây là Hoàng Đế, trong quá trình ông thiết lập thống trị, Tì hưu lập nhiều công lao hiển hách. Để khen ngợi Tì hưu, ông phong Tì hưu là “Thiên lộc”, phụ trách chăm sóc tài phú cho hoàng thất. Vì thế, Tì hưu lại được gọi là “Đế Bảo”. Cân nhắc đến sự dũng mãnh thiện chiến của Tì hưu, vì cố thủ, tà vật tự nhiên khiếp đảm, mọi người lại gọi Tì hưu là “Trừ tà”.
Đế vương ngày xưa khi chiến tranh, ưa thích bày ra quân kỳ có hình vẽ Tì hưu nhằm chấn nhiếp kẻ địch, đồng thời vừa biểu hiện uy thế dũng mãnh của mình. Hơn nữa, phàm là chiến tranh, song phương giao chiến đều hy vọng có thể mượn thời cơ công thành đoạt đất, thu hoạch tài phú, mọi người hy vọng Tì hưu vốn chỉ nuốt vào chứ không cho ra có thể mang đến vận may cho mình.
Không phải ai khi mang hết kì vọng ký thác vào Tì hưu đều có thể hiểu được 2 hàm nghĩa quan trọng “tài vượng” và “trấn tà”. Bởi có câu người “quân tử ái tài thủ chi hữu đạo”, nghĩa là người quân tử dẫu coi trọng tài vật nhưng vẫn phải biết giữ mình trong Đạo. Mọi người thường xuyên mang tượng Tì hưu có tướng mạo hung ác đặt ở đằng trước, hy vọng Thần có thể ngăn tai họa, tích tụ tài phú, nhưng lại quên mất rằng Tì hưu cho dù có trung thành cũng chỉ có thể vì người mà ngăn cản những tai nạn bên ngoài, nếu như con người nội tâm chuyển biến thành đen tối, họa khởi từ vận mệnh bản thân thì Thần cũng không giúp gì được, bởi chính tự anh ta chiêu mời đến.
Dùng Tì hưu hung ác làm biểu tượng tích tụ tài nguyên, tạo tiền tài bằng mưu sâu kế hiểm, đều là tự chuốc họa vào thân, chuyện thế nhân bao đời đã dạy cho hậu thế rằng “tiền có thể tạo nên người, cũng có thể hủy diệt người”, khi một người vì tham lam tiền tài mà sa đọa, thì người đó cũng trở thành “tà vật” thống hận.