Hán văn:
善 建 者 不 拔. 善 抱 者 不 脫. 子 孫 以 祭 祀 不 輟. 修 之 於 身, 其 德 乃 真. 修 之 於 家, 其 德 乃 餘. 修 之 於 鄉, 其 德 乃 長. 修 之 於 國, 其 德 乃 豐. 修 之於 天 下, 其 德 乃 普. 故, 以 身 觀 身; 以 家 觀 家, 以 鄉 觀 鄉; 以 國 觀 國; 以 天 下 觀 天 下. 吾 何 以 知 天 下 之 然 哉?以 此.
Phiên âm:
- Thiện kiến giả bất bạt.[1]Thiện bão giả bất thoát.[2]Tử tôn dĩ tế tự bất chuyết.[3]
- Tu chi ư thân, kỳ đức nãi chân. Tu chi ư gia, kỳ đức nãi dư. Tu chi ư hương, kỳ đức nãi trường. Tu chi ư quốc, kỳ đức nãi phong. Tu chi ư thiên hạ, kỳ đức nãi phổ.
- Cố, dĩ thân quan thân; dĩ gia quan gia; dĩ hương quan hương; dĩ quốc quan quốc; dĩ thiên hạ quan thiên hạ. Ngô hà dĩ tri thiên hạ chi nhiên tai ? Dĩ thử.
Dịch xuôi:
- Người khéo trồng (xây dựng) thì không nhổ, nậy lên được. Người khéo ôm, thì không rút ra được. Con cháu tế tự không dứt.
- Nếu lấy Đạo tu thân, thì đức sẽ thực. Nếu lấy Đạo mà tu sửa gia đình, thì đức sẽ thừa. Nếu lấy Đạo mà tu sửa làng, đức sẽ phong thịnh. Nếu lấy Đạo tu sửa thiên hạ, đức sẽ phổ quát.
- Cho nên, lấy thân mà xét thân, lấy nhà mà xét nhà, lấy làng mà xét làng, lấy nước mà xét nước, lấy thiên hạ mà xét thiên hạ. Ta làm thế nào mà biết thiên hạ ? Bằng cách trên.
Dịch thơ:
- Khéo xây, nậy cũng chẳng lên,
Khéo ôm, giằng giật vẫn nguyên chẳng rời.
Con con cháu cháu bao đời,
Thay nhau tế tự, chẳng ngơi sự tình.
- Đạo Trời tu dưỡng nơi mình,
Đức Trời sẽ chứng, tinh thành chẳng sai.
Gia đình tu Đạo hôm mai,
Đức Trời âu sẽ láng lai tràn trề,
Đạo Trời giãi sáng làng quê,
Đức Trời âu cũng thêm bề quang hoa.
Đạo Trời rạng chiếu quốc gia,
Đức Trời lai láng tuôn ra vô ngần.
Đạo Trời soi khắp gian trần,
Đức Trời âu sẽ muôn phần mênh mang.
- Cho nên muốn biết tuổi vàng,
Xem người, ta lấy mình làm la kinh.
Xem nhà, ta xét gia đình,
Xem làng, ta lấy quê mình xét xem.
Nước ta, ta sánh nước bên,
Ta đem thiên hạ, đọ xem chuyện đời.
Nhờ so, nhờ sánh không thôi,
Truyện đời ta biết, việc đời ta hay.
BÌNH GIẢNG
Chương này Lão tử dạy chúng ta:
- Phải xây dựng, giữ gìn, chắt chiu những gì vĩnh cửu.
- Cố gắng thực thi Đạo Trời nơi gian trần này.
- Làm sao biết Đạo Trời đã được thực thi hay chưa.
Chúng ta sẽ lần lượt bình giải từng điểm.
- Phải xây dựng, giữ gìn, chắt chiu những gì vĩnh cửu
Cái gì vĩnh cửu ở cái thế giới biến thiên này?
Đó là Đạo (Bản thể của vũ trụ, căn nguyên của vũ trụ và của con người, chân tính con người). Đó là Đức, là những qui luật thiên nhiên gắn liền vào vạn vật quần sinh.
Đạo là cái gì bất biến, còn bất kỳ hình tướng gì cũng biến thiên. Đức mà đây tôi giải là những qui luật tự nhiên, là cái gì vĩnh cửu phổ quát. Đó chính là Thiên Ý. Gọi là Thiên Ý vì nó phổ quát vĩnh cửu bất biến.
Trang tử cũng nói: «Vô vi vi chi vị Thiên, vô vi ngôn chi, chi vị Đức.»[4]
Cho nên một con người học đạo phải hiểu lẽ biến, hằng, mới mong đắc đạo được.
Nơi con người thì tâm tư, ý thức, hành động, khởi cư cử chỉ tất cả đều biến. Duy chỉ có thần con người là bất biến. Cho nên công trình cao siêu vĩ đại nhất mà con người có thể làm được ở gian trần này là:
– Kiến Đạo 建 道 (Xây dựng trên nền Đạo)
– Bão Đức 抱 德 (Ôm ấp Đức, ôm ấp, tuân theo định luật thiên nhiên).
Đạo, vì là Thần, nên tiềm ẩn trong lòng sâu tâm hồn con người; cho nên, hồi quang quán chiếu, quay về lòng mình để «Dữ Đạo hợp chân», là điều trọng đại nhất.
Trang tử nói: «Người xưa có lưỡi kiếm Can Việt, cất nó kỹ lưỡng trong vỏ, không dám dùng, vì nó rất quí báu. Thế mà lạ thay con người không chịu giữ gìn thần mình, một cái gì đó còn quí giá hơn lưỡi kiếm Can Việt rất nhiều. Cho nên cái Đạo cao siêu nhất (Thuần tế chi Đạo) là giữ vẹn lấy Thần, giữ Thần không để mất. Hợp với Thần làm một. Hợp với Thần rồi lại thông hiểu thiên luân. Cho nên tục ngữ rằng: ‘Chúng nhân trọng lợi, liêm sĩ trọng danh, hiền sĩ trọng chí, thánh nhân quí tinh hoa. ’ Cho nên «tố» là cái gì tinh toàn, không pha trộn bác tạp, «thuần» là giữ cho thần nguyên vẹn. Giữ được thuần tố, đó là Chân nhân.» [5]
Trang tử cũng còn nói: «Con người đạo cao đức cả ở nơi bản nguyên, mà trí như thần. Thực hiện đức, thông hiểu Đạo, chẳng phải là người đạo cao đức cả hay sao. Cho nên những người đạo cao đức cả thấy nơi mờ tối, nghe thấy thầm lặng. Mờ tối mà một mình mình thấy sáng láng, thầm lặng mà một mình mình nghe thấy hòa âm, cho nên hết sức là sâu sắc, thấu hiểu vạn vật, hết sức là thần diệu, liễu đạt được tinh hoa. Đối với vạn vật, không làm gì mà vẫn thỏa mãn được ước muốn của chúng. Ảnh hưởng của người bao quát không gian thời gian.» [6]
Chúa Jésus cũng dạy: «Phải tìm cho ra thiên ý, thiên mệnh mà theo. Như vậy mới là xây nhà trên đá.»
Ngài dạy: «Không phải nói với ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa mà được vào nước Trời, nhưng mà phải thực thi thánh ý cha ta, đấng ở trên Trời… Cho nên kẻ nào nghe và thực thi những lời ta vừa nói, thì có thể ví như một người khôn ngoan xây nhà trên đá. Dẫu mưa tuôn, thác đổ, gió gào, nhà đó vẫn nguyên, chẳng đổ vì đã được xây trên đá…» (Mat. 7, 21-27)
Đọc câu thánh kinh này, tôi vẫn tâm niệm rằng thiên ý ấy chính là định luật tự nhiên.
Rồi ngài lại dạy: «Anh em đừng súc tích của cải ở trên đất, nơi đó mối mọt, sâu bọ, có thể ăn, trộm đạo có thể đào khoét và lấy mất. Nhưng hãy súc tích của cải ở trên Trời, nơi đó mối mọt sâu bọ không thể ăn, trộm đạo không thể đào khoét và lấy mất. Vì kho tàng người ở đâu, thì tâm tư người ở đấy.» (Mat. 6, 19-21)
Theo tôi, câu này nên hiểu là: Ngoại cảnh là khinh, tâm linh mới trọng. Súc tích tiền tài danh vọng có hình tướng, tức là súc tích những thứ dễ hủy hoại. Súc tích đạo đức, tâm thần mới là súc tích những thứ bất hủ.
Khi ta chú ý về tâm linh, thì lòng ta trú nơi tâm linh, khi ta lo về ngoại cảnh, thì lòng ta trú nơi ngoại cảnh.
Phật cũng dạy phải tìm cái bất sinh bất tử, bất hủy bất hoại, thay vì chạy theo những cái vô định, vô thường. Phật phân biệt trong con người hai thứ căn bản:
(a) Căn bản tử sinh từ muôn kiếp tức là tâm vọng tưởng.
(b) Căn bản vô thủy, bồ đề Niết Bàn, tức là Chân tâm, là Nguyên thường trường cửu. [7]
Bỏ cái nguyên thường trường cửu mà theo cái vô thường, biến dịch, thấy vọng tâm mà lầm là chân tính của mình, thì làm sao thoát luân hồi? [8]
Dịch kinh cũng dạy:
«Hiền nhân thông lý Trung Hoàng,
Tìm nơi chính vị mà an thân mình.» [9]
Thứ đến phải tìm cho ra những định luật vĩnh cửu của trời đất mà theo; định luật của trời đất không chép riêng trong thánh kinh của một đạo giáo nào, mà đã viết ngay trong lòng mọi người, trong lòng vũ trụ vạn vật.
Con người mò mẫm dần dà mãi mới đọc ra được, vì đó là một «quyển thiên thư không chữ, không lời», chỉ có toàn ký hiệu, toàn hình ảnh.
Nhân loại dần dà sẽ rũ bỏ những «lề luật nhân tạo, chân lý nhân tạo» mà tìm ra những lề luật thiên nhiên, những chân lý thiên nhiên.
Trang tử cho rằng: «Con người giác ngộ sẽ phát huệ, sẽ rũ bỏ hết những gì nhân tạo, chỉ còn thuần những gì thiên tạo. Ai mà đạt tới mức độ đó mới được gọi là dân Trời (Thiên dân), con Trời (Thiên tử).» [10]
Thân thoại Ấn Độ về thần Vishnu viết: «Ta là Chân Nhất và là chốn dựa nương siêu việt. Từ ta đã xuất sinh mọi sự từ trước tới nay và từ nay về sau. Tất cả những gì người thấy được, nghe được, biết được trong hoàn võ, đều có ta ngự bên trong. Hết chu kỳ này sang chu kỳ khác, ta dùng bản thể ta mà sinh ra vũ trụ tinh cầu quần sinh quần vật. Hãy suy ngẫm điều ấy trong tâm tư ngươi, hãy tuân phục định luật của trật tự vĩnh cửu ta, và hãy bước trong thân xác ta mà đi cùng vũ trụ.» [11]
- Cố gắng thực thi đạo Trời nơi gian trần này
Cố vươn lên cho tới tinh hoa nhân loại, làm cho đạo tâm trở nên xán lạn, đạo đức trở nên tinh toàn tức là thực hiện đạo trời, xây dựng nước trời nơi gian trần này, sẽ làm cho ánh sáng đạo đức hạnh phúc chiếu rõi khắp nơi, từ mình, ra đến nhà, ra đến làng ra đến nước, ra đến thiên hạ.
- Làm sao biết đạo Trời đã được thực thi hay chưa
Bao lâu nhân loại còn bị tù túng trong vòng nhân vi, nhân tạo, thì bấy lâu con người còn bị khổ sở. Trang tử nói: «Hễ vi phạm định luật thiên nhiên, con người sẽ khổ sở.» [12]
Cho nên nếu thâm tâm ta còn khổ tức là ta chưa đi đúng đường lối của trời đất. Nếu người còn khổ, tức là người chưa đi đúng định luật của trời đất. Nếu gia đình, quốc gia, xã hội thiên hạ còn khổ, còn loạn, tức là nhân loại còn đầy mê lầm, đày dở dang chếch mác, chưa theo đúng được định luật của trời đất.
Đạo giáo phải bắt tay với khoa học, các dân tộc phải bắt tay nhau để tìm ra định luật của trời đất, phải sùng thượng đạo đức một cách tự nhiên, hợp lý, nhân loại mới có cơ hạnh phúc lâu dài. Đó là những ý niệm mà chương 54 này gợi ra cho chúng ta.
[1] Bạt 拔: nhổ.
[2] Thoát 脫: sút ra.
[3] Chuyết 啜: dứt, ngừng.
[4] Les Pères du Système Taoïste, Tchoang-Tzeu, chap. 12, B, p. 294-295.
[5] Phù Hữu Can Việt chi kiếm giả, hiệp nhi tàng chi, bất cảm dụng dã. Bảo chi chí dã… Thuần tố chi đạo, duy thần thị thủ, thủ nhi vật thất, dữ thần vi nhất. Nhất nhi tinh thông hợp vu thiên luân. Dã ngữ hữu chi viết: Chúng nhân trọng lợi; liêm sĩ trọng danh; hiền sĩ thượng chí; thánh nhân quí Tinh. Cố tố dã giả vị kỳ vô sở dữ tạp dã. Thuần dã giả, vị kỳ bất khuy kỳ Thần dã. Năng thể thuần tố vị chi chân nhân. 夫 有 干 越 之 劍 者, 柙 而 藏 之, 不 敢 用 也. 寶 之 至 也… 純素 之 道, 唯 神 是 守, 守 而 勿 失, 與 神 為 一. 一 而 精 通 合 于 千 倫. 野 語 有 之 曰: 眾 人 重 利; 廉士 重 名; 賢 士 尚 志; 聖 人 貴 精. 故 素 也 者 謂 其 無 所 與 雜 也. 純 也 者, 謂 其 不 虧 其 神 也. 能 體 純 素 謂 之 真人. Nam Hoa kinh, chương 15, Khắc ý, B.
[6] Phù vương đức chi nhân… lập hề bản nguyên, nhi tri thông ư thần. Lập đức minh đạo, phi vương đức giả da? … Thử vị vương đức chi nhân thị hồ minh minh, thính hồ vô thanh. Minh minh chi trung độc kiến hiểu yên. Vô thanh chi trung độc văn hòa yên. Cố thâm chi hựu thâm nhi năng vật yên, thần chi hựu thần nhi năng tinh yên. Cố kỳ dữ vạn vật tiếp dã. Chí vô nhi cung kỳ cầu, thời sính nhi yếu kỳ túc, đại tiểu trường đoản, tu viễn. 夫 王 德 之 人… 立 乎 本 原, 而 知 通 於 神. 立 德 明 道, 非 王 德 者 邪… 此 謂 王 德 之 人 視 乎 冥 冥, 聽 乎 無 聲. 冥 冥 之 中 獨 見 曉 焉. 無 聲 之 中 獨 聞 和 焉. 故 深 之 又 深 而 能 物 焉, 神 之 又 神 而 能 精 焉. 故 其 與 萬 物 接 也. 至 無 而 供 其 求, 時 騁 而 要 其 宿, 大 小 長 短, 修 遠. Trang tử, Nam Hoa kinh, chương 12, Thiên địa, đoạn C.
[7] Xem Thủ Lăng Nghiêm, quyển 1, Việt Nam Phật tử hội xuất bản, tr. 22-23.
[8] Thất nhữ nguyên thường, cố thụ luân chuyển. 失 汝 元 常, 故 受 輪 轉. Thủ Lăng Nghiêm, Việt Nam Phật tử hội xuất bản, quyển 1, tr. 85.
[9] Dịch kinh, quẻ Khôn, Văn ngôn: Quân tử Hoàng Trung Thông lý chính vị cư thể 君 子 黃 中 通 理 正 位 居 體.
[10] Vũ Thái định giả phát hồ thiên quang. Phát hồ thiên quang giả nhân kiến kỳ nhân. Nhân hữu tu giả, nãi kim hữu hằng. Hữu hằng giả nhân xả chi, thiên trợ chi nhân chi sở xả, vị chi thiên dân; thiên chi sở trợ, vị chi thiên tử. 宇 泰 定 者 發 乎 天 光. 發 乎 天 光 者 人 見 其 人. 人 有 修 者, 乃 今 有 恆. 有 恆者 人 舍 之, 天 助 之 人 之 所 舍 謂 之 天 民; 天 之 所 助, 謂 之 天 子. Trang tử Nam Hoa kinh, chương 23, Canh tang Sở, B.
[11] «Je suis l’Être Primeval et le Refuge suprême. De moi est issu tout ce qui a été, est ou sera. Tout ce que tu peux voir, entendre, connaýtre dans l’ensemble de l’univers, sache que c’est moi qui y réside. Cycle après cycle, je produis de mon essence les sphères et les créatures du cosmos. Considère cela dans ton cœur, obéis aux lois de mon ordre éternel et marche heureux dans mon corps à travers l’univers.» H. Zimmer, Mythes et Symboles dans l’art et la civilisation de l’ Inde, Payot Paris, p. 52.
[12] Que le long reste long, et le court, court. Gardez vous de vouloir allonger les pattes du canard, ou raccourcir celle de la grue. Essayer de le faire leur causerait de la souffrance, ce qui est la note caractéristique de tout ce qui est contre nature, tandis que le plaisir est la marque du naturel. ― Léon Wieger, Les Pères du Système Taoïste, p. 269.