Trải qua những thay đổi lớn trong cuộc đời, trong xã hội, thường được người Việt nói rằng “bể dâu”. Đây vốn là những từ đơn giản, nhưng tại sao hàm ý lại nói lên sự thay đổi lớn của trời đất, của cuộc đời?
Trong tác phẩm “Truyện Kiều”, tác giả Nguyễn Du có viết: “Trải qua một cuộc bể dâu; Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Hai câu thơ này vốn thông dụng đến nỗi nó thường được các bà các mẹ ngâm nga khi ru con ngủ.
Đa phần người Việt Nam đều cho rằng ý nghĩa của câu nói đó chỉ đơn giản là vậy, không có gì phải suy tư hay đặt câu hỏi. Cũng chính vì lý do này mà trong từ điển dân gian đã xuất hiện hai từ “bể dâu”, nhiều người tùy theo sở học của mình mà đưa ra nhận thức khác nhau về ý nghĩa của hai từ này.
Theo lẽ đó, từ “bể dâu” hiện được dùng trong hai trường hợp: khi gặp chuyện bất hạnh, người ta thường dùng nó để miêu tả về hoàn cảnh của mình; hoặc khi trải qua thay đổi to lớn trong cuộc sống, người ta cũng dùng hai từ này để nói về sự thay đổi chóng vánh ấy.
Nói khái quát thì có thể hiểu giống như đời người trải qua trăm biến cố, mỗi chuyện đều là một cuộc “bể dâu”. Ngoài ra còn vài lối nghĩ suy diễn khác nữa, nhưng ý nghĩa thực sự của nó là gì?
Lý giải – nhận thức ý nghĩa “Trải qua bể dâu”
Có thể nói những thành ngữ của Việt Nam đa phần đều xuất hiện từ nền văn hóa 5000 năm Trung Hoa, với nhiều điển cố, điển tích, và cả thần tích. Do đó nếu không dẫn lại những câu chuyện thuộc nền văn hóa Hoa Hạ xưa, thì việc lý giải này sẽ dẫn đến lủng củng và rối rắm, người nghe càng thêm mơ hồ khó hiểu.
Hai chữ đơn giản này vốn dĩ được rút kết từ một câu thành ngữ, và ý nghĩa của câu thành ngữ lại xuất phát từ một điển tích cổ đã trải qua. Do giới hạn dung lượng của thể thơ lục bát, thi hào Nguyễn Du không cách nào truyền tải toàn bộ ý nghĩa vào câu thơ. Do đó cũng cần nói một chút về vài điển cố trong lịch sử.
Nguồn gốc hai từ “bể dâu” vốn không chỉ là câu nói dân gian đơn thuần hay là ngôn từ địa phương. Nó xuất phát từ câu thành ngữ: “Thương hải vi tang điền”, nghĩa là “Biển xanh biến thành nương dâu”, qua thời gian dài truyền miệng, người ta lại tóm lược một lần nữa thành “bể dâu”. Điều này khiến câu thành ngữ càng trở nên khó hiểu nếu người nghe chưa từng xem qua điển tích đằng sau nó.
Ý nghĩa chân thực của câu thành ngữ “Thương hải vi tang điền”
Thực ra câu thành ngữ này cũng không xa lạ gì đối với phần lớn người Việt hiện nay đều đã trải qua nó. Nếu ai đã từng xem phim Tây Du Ký phiên bản 1986, chắc hẳn đều nghe qua bài hát mở đầu và kết thúc bộ phim do đạo diễn Dương Khiết thực hiện có tên “Ngũ bách niên tang điền thương hải”, nhạc Hứa Cảnh Thanh, lời Diêm Túc có đoạn:
Ngũ bách niên tang điền thương hải,
Ngoan thạch dã trường mãn thanh đài,
Trường mãn thanh đài
Chỉ nhất khoả tâm nhi vị tử,
Hướng vãng khán tiêu dao tự tại,
Tiêu dao tự tại.
Na phạ thị dã hoả phần thiêu.
Na phạ thị băng tuyết phúc cái,
Y nhiên thị chí hướng bất cải,
Y nhiên thị tín niệm bất suy.
Tha đà liễu tuế nguyệt,
Kích đãng trứ tình hoài,
Vi thập yêu? Vi thập yêu?
Thiên hữu giá dạng đích an bài…
Dịch thơ:
Năm trăm năm biển hóa nương dâu, Tảng đá ương ngạnh cũng phủ đầy rêu xanh, Phủ đầy rêu xanh. Chỉ còn một trái tim là chưa chết, Hướng về (thời) tiêu dao tự tại, Tiêu dao tự tại. Dù cho lửa hoang thiêu đốt, Dù cho băng tuyết bao trùm. Vẫn một chí hướng kia không thay đổi, Vẫn một niềm tin luôn vững bền. Đã phí hoài bao năm tháng, Xốn xang bao tình cảm nhớ mong. Bởi vì sao? Bởi vì sao? Lại có an bài như thế này?…
Dù nghe bài hát trên bằng tiếng hoa được đọc dịch tiếng việt, nhiều người vẫn có thể đã cảm thụ được phần nào ý vị của ca từ, bối cảnh câu chuyện được kể trong đoạn phim, trong đó có cụm từ “Năm trăm năm biển hóa nương dâu”, nên phần nào cũng hiểu thêm về câu thành ngữ.
‘Bể’ hóa ‘nương dâu’ ý chỉ một quãng thời gian trải qua dài đằng đẵng, xa thì hàng trăm năm, gần thì ít nhất cũng cả một kiếp người, vạn sự vạn vật đều đổi dời. Tuy nhiên đó là lý giải nhân sinh cho câu thành ngữ, còn ý nghĩa thực sự của nó thì không thể không nhắc đến câu chuyện mà từ đó xuất sinh ra câu nói này.
Trải qua “bể dâu” câu chuyện tu luyện của một vị thần
Nền văn hóa Trung Hoa vốn dĩ là văn hóa tu luyện, phần nhiều những điển cố điển tích đều liên quan đến ý nghĩa của việc tu hành, và câu chuyện này cũng không ngoại lệ. Câu thành ngữ gắn liền với một vị Thần trong văn hóa Trung Hoa tên là Ma Cô.
Ma Cô là vị nữ thọ tiên trong truyền thuyết dân gian Trung Quốc. Về lai lịch, Ma Cô xuất hiện sớm nhất là ở trong Thần tiên truyện của Cát Hồng đời Tấn, lưu hành cũng tương đối rộng. Trong Thần tiên truyện nói rằng: Ma Cô tuổi khoảng chừng 18 đôi mươi rất xinh đẹp, tóc đen tuyền vấn thành búi, còn dư thả xuống tới ngang hông, mặc áo gấm thêu lóng lánh, tư thái vô cùng kiều diễm.
Nữ Thọ Tiên trải qua thăng trầm
Vì sao Ma Cô được dân gian tôn làm nữ thọ tiên, cũng có nhiều thuyết đề cập đến. Có thuyết nói rằng Ma Cô từng nói mình đã thấy biển Đông 3 lần biến thành ruộng dâu, đồng thời căn cứ vào mực nước ở Bồng Lai hiện tại so với trước đó mà bà từng thấy đã ít đi một nửa, tiên đoán rằng, biển Đông sẽ biến thành đất liền. Từ đó đã diễn hoá thành điển cố “thương hải tang điền” (biển xanh biến thành ruộng dâu).
Theo truyền thuyết, biển xanh cứ một lần biến thành ruộng dâu phải mất cả ngàn vạn năm. Thế mà Ma Cô đã thấy và trải qua 3 lần, cho nên tướng mạo bề ngoài giống như một cô gái xinh đẹp thực ra tuổi của bà đã rất cao, không thể xác định được. Thế nên Ma Cô đươc gọi là thọ tinh là điều không cần nghi ngờ.
Cũng có thuyết nói rằng Ma Cô từng ở trong tiệc sinh nhật của Vương Mẫu Nương Nương dâng lên Hội Bàn Đào loại linh chi tiên tửu chúc thọ Vương Mẫu. Đây chính là nguồn gốc của truyền thuyết dân gian liên quan đến việc Ma Cô hiến thọ.
“Bể dâu” là từ có hàm nghĩa sâu sắc
Do đó, ngoài ý nghĩa thông thường ra, câu thành ngữ này thực sự mang thêm một tầng ý nghĩa vượt trên nhận thức phổ thông của con người. Trong mắt người thường, sự việc biển xanh hóa thành nương dâu là một quá trình trải qua dài đằng đẵng, không biết được bao nhiêu đời người mới xảy ra. Nhưng trong mắt một vị thần tiên mà nói, thì đó chỉ là chuyện sớm hôm.
Có câu rằng: “Một ngày trên trời, ngàn năm dưới mặt đất“. Nhiều người có lẽ cũng nghe qua câu chuyện Từ Thức gặp tiên. Từ Thức đến chốn Tiên hết một năm, thì khi về nhân gian đã 200 năm trôi qua. Thế nên nếu ngẫm về ý nghĩa thực sự của câu nói, có lẽ điển tích này còn có một ý nghĩa nữa nhắn gửi con người: đời người trăm năm qua đi, trải qua bao nhiêu thay đổi, tất bật ngược xuôi, thì trong mắt thần tiên mà nói, đó chỉ là một cái chớp mắt.
Đối với một con người dường như ai cũng trải qua cảm giác này, khi đã đi đến cuối cuộc đời, nhìn lại những chuyện khi xưa chỉ như mới như ngày hôm qua. Một đời đi qua rồi, nếu không có duyên tu hành thì cũng chỉ như hư ảo, mọi thứ sớm tan như mây khói, không biết bao giờ mới lại có thân người, hối tiếc cũng là đã muộn.