Cân đòn hồi xưa được làm từ gỗ, trên đòn gỗ có 16 vạch khắc, một khắc tượng trưng cho một lạng. Cân đòn trông có vẻ rất đơn giản, tuy nhiên lại ẩn chứa rất nhiều trí tuệ.
Mọi người thường hay dùng cụm từ “kẻ tám lạng người nửa cân” để hình dung về hai sự vật giống nhau, đó là vì cân thời cổ đại sử dụng có quy định là 16 lạng bằng một cân, vì thế nửa cân mới bằng tám lạng.
Trí tuệ trong chiếc cân đòn
Cân đòn bao gồm cán cân, quả cân, và đĩa cân. Truyền thuyết kể rằng cân đòn gỗ được Lỗ Ban sử dụng nguyên tắc đòn bẩy phát minh ra. Đồng thời, dựa theo Bắc Đẩu thất tinh và Nam Đẩu lục tinh khắc 13 vạch khắc trên đòn cân, quy định 13 lạng bằng 1 cân.
Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất 6 nước, ông đã thêm ba vạch khắc tương ứng với tam tinh “Phúc Lộc Thọ”, đổi thành 16 lạng bằng 1 cân. Vạch khắc nhất định phải là màu trắng hoặc là màu vàng, không được dùng màu đen, hàm ý rằng khi kinh doanh buôn bán phải công bằng chính trực, không được mang tâm đen tối.
Vạch khắc đầu tiên trên cân đòn gọi là “định bàn tinh”, vị trí của nó là điểm treo của quả cân với móc cân khi quả cân ở vị trí cân bằng. Điểm mấu chốt nhất khi làm cân đòn đó là phải chọn thật chuẩn “định bàn tinh”. Vì vậy, người ta thường dùng cụm từ “định bàn tinh” để ví von chuẩn mực của sự vật.
Khi buôn bán, tay của thương nhân nhấc dây núm treo đầu cân lên, gọi là “cân hào”. Ý nghĩa của nó là khi bạn đang cân đo thì phải quan sát rõ đến chân tơ kẽ tóc, tuyệt đối không được qua loa đại khái.
Một khi cân được nhấc lên thì đầu tiên sẽ thấy “định bàn tinh”, nhắc nhở thương nhân phải cân nhắc đến lương tâm, bất kể là buôn bán thứ gì cũng không được cân thiếu.
Nếu như cân thiếu cho người ta thì sẽ bị tổn hại âm đức, trong đó thiếu một lạng gọi là “Tổn phúc”, thiếu hai lạng gọi là “Tổn lộc”, thiếu ba lạng gọi là “Tổn thọ”. Nhằm ám chỉ người làm ăn buôn bán phải thật tâm, không thể trái với lương tâm mà làm những chuyện tổn hại lợi ích của người khác.
Nhân quả của cân đòn
Thời nhà Minh, trong thành Dương Châu có một phú ông phát tài nhờ mở tiệm tạp hóa, ông ta có một cậu con trai, hai người cháu, cuộc sống tương đối sung túc đầy đủ.
Sau đó phú ông đổ bệnh, lúc lâm chung ông cầm một chiếc cân đòn, dặn dò người con trai đang túc trực bên cạnh rằng: “Đây chính là tuyệt chiêu kiếm tiền của cha! Bên trong chiếc cân đòn này trống rỗng, và đã được rót đầy thủy ngân, vì thế khi cha buôn bán kiếm tiền đều dễ như trở bàn tay, nên mới có cơ đồ như hôm nay, con phải khôn khéo tận dụng chiếc cân này”.
Người con trai nghe xong trong lòng không khỏi kinh ngạc, không ngờ cha của mình lại có thể làm chuyện thất đức như vậy. Nhưng vì cha đang bệnh nặng, không muốn cãi cọ với cha vào lúc này nên đành ngậm bồ hòn làm ngọt.
Sau khi người cha mất, con trai mang chiếc cân đi đốt, hơn nữa tích cực hành thiện, cứu tế người nghèo để bù đắp cho tội lỗi xưa kia của cha mình. Anh ta thành tâm hành thiện như vậy chưa đến 3 năm thì gia sản đã tiêu tốn hơn một nửa, nhưng đối với anh ta mà nói đó là can tâm tình nguyện.
Nhưng thật không ngờ hai cậu con trai của anh ta còn nhỏ tuổi mà lại lần lượt qua đời, điều này khiến anh ta vô cùng đau khổ, anh không hiểu tại sao lại xảy ra chuyện như vậy. Từ đó về sau, anh ta thường xuyên oán trách kêu than ông trời không có mắt, hành thiện mà không được báo đáp.
Một đêm nọ, anh ta nằm mơ thấy mình đi đến một nơi, hình như là cung điện. Anh ta nhìn thấy một vị quan ngồi trên điện, nói với anh ta: “Cha của ngươi có thể làm giàu là kết quả từ kiếp trước ông ta bố thí của cải. Sự giàu có này đã được định sẵn trong sinh mệnh, thực ra không phải là dựa vào chiếc cân thủy ngân đó.
Tuy nhiên lòng dạ ông ta không ngay thẳng, dùng thủ đoạn đê hèn, đã tăng thêm tội nghiệp của bản thân, đến chết vẫn không hối cải, nên bây giờ đang phải chịu báo ứng khổ cực.
Trời cao biết ông ta có dụng tâm làm điều tham lam độc ác, vì thế đã phái 2 vị thần đầu thai làm con trai của ngươi, để hủy hoại gia nghiệp của ngươi. Sau khi gia nghiệp bị tiêu tán, thì chúng sẽ rời đi. Còn ngươi cũng sẽ phải gánh vác tội ác của cha ngươi, không những ăn không đủ no mà còn đoản mệnh.
Cha của ngươi cho rằng để lại nhiều gia sản cho con cháu, thì chúng nhất định dùng mãi không hết; nhưng ông ta không biết được rằng, con của mình không thể trường thọ, cháu của mình đến chính là để phá hoại gia nghiệp.
Giờ may mà ngươi có chút lòng lương thiện, ba năm liền thành thật hành thiện để bù đắp lại tội nghiệp của cha. Vì vậy ông trời đặc biệt ra lệnh cho ta đến gọi hai tên phá gia chi tử đó trở về, chẳng bao lâu nữa sẽ xuất hiện hiếu tử, nhất định sẽ làm rạng danh cho đời sau của ngươi, đồng thời tăng thêm tuổi thọ. Ngươi nên tiếp tục hành thiện, không được oán trách thiên đạo không công bằng”.
Sau khi anh ta tỉnh dậy mới bừng tỉnh đại ngộ: “Thì ra là như vậy”. Từ đó về sau anh ta lại càng tích cực hành thiện, sau đó quả nhiên sinh liền hai cậu con trai, đồng thời hai cậu con trai lớn lên đều đậu tiến sĩ. (Trích từ “Cảm ứng biên đồ thuyết”)
Cân đo lòng người
Từ đó có thể thấy, để phát minh ra cân người xưa đã phải hao tâm khổ tứ thế nào. Những vạch khắc này từng giây từng phút đều nhắc nhở người làm ăn buôn bán nhất định phải buôn bán công minh, không được cân thiếu, nếu không chẳng khác nào tự hại mình.
Thực ra ở đây đã đưa ra một đạo lý mà con người ngày nay ngày càng xem nhẹ, đó chính là hành thiện tích đức thì phúc nhiều lộc lớn, kéo dài tuổi thọ; ngược lại thì tổn phúc hại lộc, tuổi thọ bị giảm. Con người hiện đại khi theo đuổi tiền tài, thậm chí đã đạt tới mức độ “người không vì mình, trời chu đất diệt”. Thực tế này quả là bi kịch của nhân loại.
Người cổ xưa luôn cảnh tỉnh mọi người, buôn bán phải công bằng, làm ăn phải có đạo lý. Vì vậy chiếc cân trong mắt mọi người chính là biểu trưng cho sự chính trực vô tư, quang minh lỗi lạc.
Gia Cát Lượng đã từng nói: “Lòng ta như chiếc cân, không thể lúc cao lúc thấp theo ý kẻ khác được”, cách nói này đã vượt qua phạm vi làm ăn buôn bán trên thị trường mà thăng hoa đến cao độ trong nhân cách và đạo đức.
Có thể thấy cổ nhân đã sáng tạo ra 16 lạng và 16 vạch khắc trên cân đòn, tác dụng của chúng không phải chỉ để cân đo trọng lượng của vật thể, mà còn để cân đo lòng người.
Bất luận là người dùng cân hay làm cân đều phải công chính, công bằng, công đạo. Chiếc cân đòn này có thể cân được sự thành tín, chính nghĩa của con người, đó chính là nội hàm được truyền thừa trong văn hoá truyền thống mấy ngàn năm.