Có một lần, Đức Phật ngồi dưới gốc cây thuyết Pháp cho vô số người. Trong đó có người đã chứng đắc quả vị Tu Đà Hoàn, có người thì chứng đắc quả vị Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán. Những người như vậy không biết bao nhiêu mà kể.
Lúc này, sắc mặt của Đức Phật không lấy làm vui vẻ, hơn nữa còn vô cùng buồn bã. Đệ tử A Nan hỏi Đức Phật là vì duyên cớ gì.
Truyện cổ Phật gia: Nước mắt của mỗi chúng ta nhiều hơn cả bốn đại dương
Đức Phật nói: “Chính là giống như người lái buôn, mang theo vàng bạc châu báu trị giá ra ngoài buôn bán, trên đường gặp phải bọn cướp bị cướp sạch hết, thân thể trần truồng nán lại trên đường. Ngươi nói có đáng buồn hay không?”
A Nan trả lời: “Vâng, thật đáng buồn”.
Đức Phật nói với A Nan rằng: “Ta từ vô lượng vô số kiếp đến nay, chịu đủ muôn vàn cực khổ tu trì Phật Pháp, mục đích vì muốn độ hết thảy chúng sinh thành Phật. Bây giờ ta đã thành Phật rồi, nhưng lại không khởi được tác dụng thực sự. Lẽ nào ta có thể vui mừng được sao?”
A Nan hỏi: “Không phải là có rất nhiều người đã chứng đắc Thánh quả hay sao?”
Đức Phật nói: “Giống như một gia đình, sinh hạ mười mấy cô con gái, nhưng lại không có con trai, chính là không có người chèo chống gia đình. Cũng như vậy, ta tuy có vô số A La Hán, nhưng họ đều không phải con của ta, không thể ngồi dưới gốc cây giác ngộ thành Phật, không thể truyền thừa Phật Pháp tiếp được nữa”.
Nói xong, Đức Phật rơi ba giọt nước mắt, tam thiên đại thiên thế giới vì vậy mà chấn động; vô số Thiên, Long, Thần, người đều phát khởi tâm vô thượng Bồ Đề.
Lúc này, gương mặt Đức Phật lập tức nghiêm trang vui vẻ, phóng ra vô số ánh hào quang, chiếu rọi bốn phương. Đức Phật vui mừng nói rằng: “Giáo Pháp của ta đã có người kế thừa rồi…”.
(Trích từ “Kinh Cựu tạp thí dụ”)
Từ câu chuyện này có thể thấy, bất cứ một thiện căn nào mà không có được tâm Bồ Đề gia trì, thì cho dù là A La Hán, đắc được sự giải thoát từ luân hồi trong tam giới, cũng không có gì thù thắng đặc biệt.
Hiện nay ở nhiều vùng đất khác nhau, có rất nhiều người thường xuyên tham Thiền, bái Phật, đốt hương, niệm Kinh, viết kinh sám hối… nhưng đại đa số trong họ, chỉ là vì lợi ích của bản thân. Thật sự tu thành Phật, vì hết thảy chúng sinh mà hành trì Thiện pháp, có thể nói là cực kỳ hiếm. Như vậy, cho dù họ có làm gì đi nữa đều không có được ý nghĩa to lớn.
Vậy nên, khi một người tu hành, nhất định cần phải nhận thức rõ ràng đối với tầm quan trọng của tâm Bồ Đề. Chính là, tu hành không phải vì quả vị của bản thân mình, mà cao quý hơn, là vì hết thảy chúng sinh trong thế giới của mình.
Nguồn: Tinh hoa – https://tinhhoa.net/