Con người thế gian, ai cũng mong muốn một cuộc đời may mắn, thuận lợi. Vì vậy, làm bất kể việc lớn nhỏ nào người ta đều xem phong thủy, đặc biệt là người phương Đông. Nói đến phong thủy, nhiều người thường nghĩ đến những yếu tố bên ngoài như đất cát, nhà ở… nhưng kỳ thực trên thân người có ba điểm phong thủy vô cùng quan trọng mà dường như nhiều người lại quên mất!
Vậy ba điểm phong thủy quan trọng trên thân người có thể làm thay đổi vận mệnh của người đó là gì? Mệnh lý học đưa ra ba điểm phong thủy sau:
1. Điểm phong thủy thứ nhất: Miệng
Miệng của một người có thể tạo phúc nhưng cũng có thể chiêu mời họa. Để dưỡng tốt điểm phong thủy này, cần nhớ ba điểm sau:
Không bóc trần thiếu sót của người khác: Mỗi người đều có những điểm thiếu sót, đều có khuyết điểm riêng. Cổ nhân có câu: “Nhân hoạt nhất trương kiểm, thụ hoạt nhất trương bì”, ý nói con người sống không thể không có thể diện, giống như cây cối không thể không có lớp vỏ. Khi thấy thiếu sót của người khác, nên lựa thời điểm nói, không nên nói trước mặt nhiều người.
Mỗi người đều có thể diện của mình. Nếu ngày hôm nay bạn làm khó dễ người khác, ngày mai có thể bạn sẽ gặp phải chính tình cảnh ấy. Không bóc trần thiếu sót của người khác là một loại độ lượng. Miệng nói nhiều lời tốt đẹp, con đường đời của bạn sẽ ngày càng rộng mở hơn, kết được nhiều thiện duyên hơn.
Không khoa trương, ba hoa: Rất nhiều người thường thích nói lời khoa trương, khoe khoang về bản thân giống như không nói ra thì không thể hiện được cái bản sự của mình vậy. Đây là điều rất kỵ húy. Cổ nhân có câu: “Thiên ngoại hữu thiên, nhân ngoại hữu nhân”, ý nói người tài còn có người tài hơn, cho nên khiêm tốn vẫn là tốt nhất.
Không nói lời vô nghĩa, không thích hợp: Người có trí tuệ cao khi có việc cần nói sẽ nói, không có việc thì bảo trì sự im lặng, tĩnh tại. Người nói những lời vô nghĩa sẽ không chỉ khiến người khác ghét bỏ mà còn chiêu mời họa. Thực tế chứng minh rằng, chỉ những lời nói đúng mực, chính xác và thích hợp mới có đủ sự thuyết phục đối với người nghe. Trong cuộc sống, những lời nói, lời giải thích sâu sắc được người khác hoan nghênh, lời sáo rỗng, vô nghĩa khiến người nghe khó chịu.
2. Điểm phong thủy thứ hai: Tâm
Người ta nói, tâm là phong thủy lớn nhất, tốt nhất của một người. Để có tâm tốt cần chú ý ba điều sau:
Nuôi dưỡng tâm thiện lương: Thiện lương là thiên tính của con người, là gốc rễ làm người. Cổ ngữ nói, người đã mất đi thiện lương thì có thể còn không bằng loài cầm thú. Người xưa cũng có câu: “Thiện có thiện báo, ác có ác báo”, người có tấm lòng thiện lương, làm nhiều việc thiện việc tốt thì cuộc đời của người ấy nhất định sẽ tốt đẹp.
Một người có thể không có phú quý, không có danh tiếng nhưng nếu không có thiện lương thì là đã mất đi cái gốc làm người rồi. Ngày hôm nay, nếu bạn gieo hạt giống thiện lương thì ngay mai nhất định sẽ thu được quả ngọt.
Nuôi dưỡng tâm khoan dung: Mỗi người nên đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để suy nghĩ, để cân nhắc, lý giải những việc người khác khó xử. Khi gặp việc không như ý hay người khác đối xử không tốt với mình, thay vì thù giận, hãy mở lòng khoan dung, bạn sẽ thấy sự việc không đến nỗi tồi tệ như bạn vẫn tưởng tượng.
Xưa nay, người có tấm lòng khoan dung độ lượng luôn được người khác tôn trọng, nguyện ý kết giao. Cho người khác một đường lui, bạn sẽ nhận được phúc báo trong tương lai.
Nuôi dưỡng tâm khiêm tốn: Khiêm tốn là một loại mỹ đức, là một loại cảnh giới cao của tu dưỡng. “Kiêu ngạo thì chiêu mời tổn hại, khiêm tốn thì được lợi”, con người nên là học theo sự khiêm tốn, vô tư và kiên định của đại địa.
Trong “Dịch Kinh” giảng rằng, hết thảy pháp tắc làm người và đạo lý đều là thiên địa âm dương biến hóa. Trong mỗi một quẻ hào đều có hung và cát. Quẻ hung là để cảnh giới con người bỏ ác hành thiện. Quẻ cát là động viên, khuyến khích con người phải mỗi ngày làm một việc thiện khác. Chỉ có quẻ khiêm (khiêm nhường) là mỗi một hào đều là cát tường, may mắn.
3. Điểm phong thủy thứ ba: Hành vi
Hành vi của một người cũng thể hiện ra sự tu dưỡng, đạo đức của người đó. Mỗi hành vi, cử chỉ cũng sẽ đem đến vận khí khác nhau cho một người.
Không có thành công bằng con đường tắt: Thành công mà một người đạt được là không có con đường tắt, cần phải trả giá bằng sự cố gắng thực sự. Người đầu cơ trục lợi, bằng thủ đoạn nào đó thì tuy rằng nhất thời có thể đạt được một chút lợi ích nhưng vì nền tảng không vững chắc nên cuối cùng cũng không đạt được kết quả lý tưởng.
Không hại người lợi mình: Làm hại người để mình được lợi thì nhất thời có thể chiếm được chút lợi nhưng cuối cùng cũng sẽ nhận được kết quả không hay. Điều này là do quy luật nhân quả chi phối. Cho nên, giữa người với người, trong đối nhân xử thế hay trong kinh doanh làm ăn, vẫn nên hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau là tốt nhất.
Không đổi đức lấy lợi: Người ta thường chỉ hay nhìn những điều lợi trước mắt mà quên đi cái đức của bản thân mình. Xã hội hiện đại ngày nay, rất nhiều người vì lợi mà quên nghĩa, vì lợi mà lừa gạt, hãm hại người khác, thậm chí làm thương tổn người khác. Nhưng lại không biết được rằng, điều họ thực sự mất đi còn lớn hơn điều họ nhận được, cái được chẳng bù nổi cho cái mất.
Cổ nhân giảng: “Họa phúc không tự nhiên đến, nó là do con người tự chiêu mời mà đến. Việc thiện hay việc ác đều có quả báo như hình với bóng”. Thời cổ đại, người ta tin rằng vì tài vật, lợi ích mà lừa gạt, hãm hại người khác thì chính là đánh mất đi “đức” và “phúc báo” của mình.
Nguồn: https://vandieuhay.net/