Nguyên văn

Quân bất kiến:
Tuyệt học vô vi nhàn đạo nhân
Bất trừ vọng tưởng, bất cầu chân
Vô Minh thật tánh tức Phật tánh
Ảo hóa không thân tức Pháp Thân

Dịch

Bạn thấy chăng:
Dứt học vô vi bậc đạo nhân,
Chẳng trừ vọng tưởng, chẳng cầu chân.
Tánh thật Vô minh tức Phật tánh,
Thân không, ảo thể ấy Pháp Thân.

Lời bình

Đoạn này tóm tắt cả bài Chứng Đạo Ca, cho thấy toàn bộ quan niệm của Thiền. Chữ “nhàn đạo nhân”(người tu hành an nhàn) ở đây có nghĩa là “người tu thiền” hay “Thiền sư”.

Chân thiền sư là gì?
Là người thấu hiểu chân lý, biết được thân tâm của mình không cách biệt với vũ trụ mà kết hợp với vạn vật và Trời Đất muôn trùng.

Vị chân thiền sư quên đi mọi kiến thức trên đời. Ông là bậc phi tư lương (không nghĩ tính), có tâm hồn bao la rộng khắp, cởi mở hoàn toàn giống như tâm Phật. Nhờ “tuyệt học vô vi”, vắng bặt thế trí, không còn vọng động, chân trí trực giác sẽ bừng lên và trở lại hồn nhiên, mộc mạc, không kiểu cách nhân tạo, đấy chính là Phật Tánh (=Chân Như).

Vị chân thiền sư không cố gắng gạt bỏ ảo giác, vọng tưởng, mà cũng không dụng tâm mong cầu giác ngộ (satori); bởi ảo giác, vọng tưởng chỉ là hiện tượng thoáng qua, còn giác ngộ, Phật tánh vốn là bản chất, vốn có tự nhiên của mỗi người.

Người biết mình ở trong ảo ảnh thì ngay lúc đó đã ở ngoài ảo ảnh rồi, nếu còn quay cuồng trong đó thì chứng tỏ không biềt mình mê. Cũng như người xấu không biết mình xấu, nếu biết thì tự nhiên không còn xấu nữa.

Vì vậy, muốn đi vào con đường trung chính (chánh đạo), thì ít nhiều cũng phải có những cái nhìn đúng dắn (Chánh Tri Kiến) phần đầu và cuối của con đường, nghĩa là phải hiểu được bản chất và cứu cánh của ĐẠO.

Phật Tánh là gì ? Trong pho sách SHOBOGENZO (Chánh Pháp Nhãn Tạng), Đại sư DOGEN có dành cả một chương, với đầu đề là BUSSHO NO MAKI (Phật tánh quyển), giải thích rất sâu về Phật Tánh. Trong kinh ĐẠI BÁT NIẾT BÀN (Mahaparinirvana) có viết :”Trong mọi sự vật đều có Phật Tánh”. Phật Tánh cũng là giác ngộ, là trạng thái đạt đạo của Đức Phật dưới cội Bồ Đề, là Niết Bàn, là tỉnh giác. BÁT NIẾT BÀN (Parinirvana) là trạng thái an lạc cùng tột, rốt ráo chân không.

Ở Ấn Độ, vào thế kỷ 12 Phật lịch, Ngài VASUBARIDHU (Thế Thân Bồ Tát) có viết trong Phật Tánh Luận (Busshoron): “Phật Tánh là gì ? Phật Tánh là cái hằng có trong mọi sự vật”. Trong Chứng Đạo Ca, Đại Sư Huyền Giác cho rằng :“Vô Minh tức Phật Tánh”.

Vô Minh tiếng Phạn là AVIDYA, nghĩa là không biết, mê muội. Một số nhà nghiên cứu Phật giáo cho rằng Vô Minh đối lập với Phật Tánh, mê muội đối lập với giác ngộ, vô minh sinh ra phiền não (klexa) làm cản trở tâm khai trí huệ.

Thật ra, vô minh ở đây cũng có thể hiểu là không biết bằng lý trí, mà thuần phát tự nhiên, là bản tánh tinh nguyên, chân thật (Đức Lão Tử có nói :”Bậc hiền nhân quân tử trông bề ngoài ngu ngơ, khở khạo”). Cũng như Giáo Sư OHSAWA, nhà triết lý lỗi lạc của thế kỹ 20, cho rằng những người dốt nát, chơn chất hiểu và sống theo Trật tự Vũ trụ thiên nhiên dễ hơn các nhà bác học tràn trề kiến thức. Vã lại, trong kinh PHÁP BẢO ĐÀN có viết :”Phiền não tức Bồ Đề”. Có phiền não, ta mới tìm an định; có khổ đau, ta mới ngộ lẽ vui – LND). Theo Phật giáo, mọi vật do tâm tạo. Khi tâm trở nên bao la trường cửu thì thân cũng vô hạn, bất diệt.

Có người cho rằng cả thân lẫn tâm rồi ra đều hư diệt, đó là suy nghĩ theo khoa học vật chất. Trong khi những nhà tu hành khẳng định thân có thể hoại diệt, nhưng tâm linh (linh hồn) còn mãi, đó là suy nghĩ của tôn giáo sơ đẳng, công truyền; nhưng đối với thiền thì không như thế.

Thiền quan niệm thân tâm đều không ngay cả lúc nầy. Hẵn có người sẽ hỏi :”Vậy, làm thế nào cái không đó lại trở thành rộng khằp, hằng có ?”.

Chẳng phải “trở thành”, vì không chẳng mắc mứu thời gian và không gian.

Sự sống đích thực của ta là không, mà đã là không thì chẳng vướng mắc thời gian và không gian, nên sự sống vốn không của ta, nhờ thấu đáo tánh không, mà trở lại tính chất vĩnh cửu, phổ quát, phi thời gian, phi không gian.

Bấy giờ, không thân, thân ảo trở thành Pháp Thân, dharm kaya, bản thể vĩnh hằng của Phật, và sự vô minh của ta trở thành Phật Tánh. Nói “trở thành” cho dễ hiểu chứ không đúng, vì tự bản chất, không thân là Pháp Thân, vô minh là Phật Tánh, sự đồng nhất nầy chỉ có thể hiểu được bằng trực giác mà thôi. Bởi vậy, nhìn theo lối thông thường, thân tướng có thể hoại diệt, nhưng xem thân là không thì muôn đời hiện hữu.

Có thể so sánh các kiếp sống như những đợt sóng trên đại dương. Thân ảo hóa chẳng khác gì một cơn sóng dâng lên, lan rộng, yếu dần rồi lịm tắt, nhưng Pháp Thân như đại dương nên sóng vẫn điềm nhiên tồn tại. Ở đây, không là hiện tượng, Pháp là bản chất, là siêu hiện tượng. Không là “không gì ca”, trạng thái hư không trong thời gian và không gian; Pháp là tất cả, là toàn thể, bao quát và vĩnh cửu.

Chính nhờ tọa thiền mà hiểu được như thế và chuyển không thành Pháp. Nhờ tọa thiền, cái thân ảo hóa, không thân trở thành Pháp thân tổng thể, bao la và vĩnh cửu.

Và như vậy, chúng ta có thể sống đời đời nhờ giác ngộ do tọa thiền, hiểu không là pháp, chẳng có khởi điểm, chẳng có chung điểm, chẳng mở đầu, chẳng kết thúc.

Trong Tâm kinh ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA có đoạn viết :”Sắc tức thị không, không tức thị sắc”(Sắc tức là không, không tức là sắc) nghĩa là hình tướng (rupa) tức là hư không tinh túy, bản tánh tức là chất thể và ngược lại.

Thực hành tọa thiền là cung cách xứng hợp với tâm. Nhiều người tìm cách “đắc” ngộ, nhưng thực ra, không nên tìm cách hướng về hoặc cố cầu đắc ngộ, vì “cố tìm” không phải là trạng thái bình thường của tâm. Tâm không nên vướng bận ý tưởng cầu tìm, mà phải được hoàn toàn tự do. Phải lập lại những tình trạng bình thường cho thân và tâm, đưa cả thân tâm trở về Phật Tánh. Phải thấy được Ao thân chính là Pháp Thân, bản thể vĩnh hằng hằng của Phật tức là sự sống huyền diệu muôn đời.

Phụ lục

LỜI DẠY CỦA ĐỨC LỤC TỔ HUỆ NĂNG : “Chẳng Biết Bổn Tâm Học Đạo Vô Ích”.

ban may cat sat makita