Hán văn:

善 為 士 者 不 武. 善 戰 者 不 怒. 善 勝 敵 者 不 與. 善 用 人 者 為 之 下. 是 謂 不 爭 之 德. 是 謂 用 人 之 力. 是 謂 配 天, 古 之 極.

Phiên âm:

  1. Thiện vi sĩ giả bất vũ. Thiện chiến giả bất nộ. Thiện thắng địch giả bất dữ.[1]
  2. Thiện dụng nhân giả vi chi hạ. Thị vị bất tranh chi đức. Thị vị dụng nhân chi lực. Thị vị phối Thiên, cổ chi cực.[2]

Dịch xuôi:

  1. Tướng giỏi không dùng vũ lực. Người chiến đấu giỏi không giận dữ. Người khéo thắng không giao tranh với địch.
  2. Khéo dùng người là hạ mình ở dưới người. Thế gọi là cái đức của không tranh. Thế là dùng sức người. Thế là kết hợp với Trời, cực điểm của người xưa.

Dịch thơ:

  1. Khéo cai trị không cần uy vũ,

Chiến trận tài không cứ căm hờn.

Thắng người đâu tại tranh hơn,

  1. Dùng người khéo chỗ biết tôn trọng người.

Thế là chẳng ganh tài vẫn thắng,

Thế là khiêm mà vẫn trị người

Thế là kết hợp với Trời,

Thế là diệu pháp của người đời xưa.

BÌNH GIẢNG

Mọi người thường lấy binh pháp 兵 法 để giải chương này.

Nếu lấy binh pháp mà giải, thì ta thấy Khổng Minh xưa chỉ dùng có ba tấc lưỡi mà đã thuyết phục được Tôn Quyền, Chu Du chống lại Tào Tháo. Chỉ dùng mưu lược mà đã lập nên trận hỏa công phá hạ 100 vạn quân Tào trên sông Xích Bích; thế là giỏi đánh giặc không cần vũ lực, giỏi thắng giặc chẳng cần đích thân giao phong với giặc.

Hà Thượng Công dùng đạo pháp 道 法 để giải chương này. Đại khái: Người quí đạo đức không cần vũ lực. Người dùng đạo để chiến thắng, ngăn chặn người tà ngụy khi chúng mới hiện ra nơi tâm, tuyệt họa hại ngay từ khi chúng chưa mầm mộng. Chẳng cần gì phải lôi đình thịnh nộ giết chóc ra uy.

Muốn thắng người hãy thắng bằng lòng nhân đức, dùng tình thương mến liên kết với người gần mình, thế là chẳng cùng người giao tranh mà người vẫn phục.

Đối với mọi người mình một dạ khiêm cung, biết cách khai thác điều khiển khả năng từng người, biết phối hợp khả năng mọi người theo một chiều hướng xây dựng.

Nếu làm được như vậy tức là đức độ phối kết với Trời, và đó cũng là yếu đạo của người xưa.

Suy cho cùng, thì chương này xác định thái độ của thánh nhân. Nên đi chiều thuận của trời đất, nhân sinh, hay nên đi chiều nghịch? Và trả lời dĩ nhiên là nên đi chiều thuận.

Chiều thuận là chiều sinh, là chiều yêu thương, hòa hài, thông cảm cộng tác. Chiều nghịch là chiều khắc, là chiều chống đối, hận thù, đấu tranh, phá hoại.

Mà người xưa đã nói:

Thuận giả xương 順 者 昌 (thuận thì hay)

Nghịch giả ương 逆 者 殃 (nghịch thì hại).

Thuận cảnh, thuận nhân, thuận thời, thuận thế, thuận tuổi tác, tùy trình độ mình, người mà xử sự sẽ đem lại nhiều kết quả mà lại ít tốn sức. Đó chính là định luật: Cố gắng tối thiểu (loi du minium d’effort).

Tìm ra được những định luật chi phối hoàn võ và nhân sinh, tìm ra được những định luật chi phối sự tiến triễn của hoàn võ và nhân sinh, rồi ung dung mà tiến bước, tức là sống hồn nhiên, tự tại.

Mà hồn nhiên tự tại tức là Thời Trung 時 中, lúc nào cũng sống một đời sống lý tưởng, lúc nào cũng sống theo luật Trời, phối kết với Trời, thế là đạo cao diệu nhất từ xưa tới nay vậy.

Riêng tôi, tôi rất chú trọng đến câu Thị vị phối Thiên, cổ chi cực 是 謂 配 天 古 之 極 của Lão tử, vì câu này chúng ta biết đâu là tinh hoa của đạo giáo từ thượng cổ tới nay.

Tinh hoa ấy, chỗ cao siêu nhất mà con người có thể đạt được về phương diện đạo giáo, chính là: Sống phối kết với Trời (Phối Thiên 配 天). Phật giáo, Ấn giáo gọi thế là Nirvana (Niết Bàn) mà Nirvana theo từ nguyên chính là: «Diệt hết mọi hình tướng; Phối kết với Thượng đế.» [3]

Trung dung gọi thế là Phối Thiên 配 天. Công giáo gọi thế là Sống Hợp Nhất với Thượng đế[4] Bất kỳ theo tôn giáo nào, mà thực hiện được hai chữ Phối Thiên tức là đạt Đạo vậy.

[1] Bất dữ 不 與: Bất dữ địch tranh nhi địch tự phục 不 與 敵 爭 而 敵 自 服 (Hà Thượng Công).

[2] Thị vị phối Thiên cổ chi cực. 是 謂 配 天 古 之 極 .

(1) Hà Thượng Công giải: Đó là đức hợp với Trời. Đó là Đạo cực cần yếu của người xưa. (Dĩ đức phối Thiên… Thị nãi cổ chi cực yếu đạo dã 以 德 配 天 … 是 乃 古 之 極 要 道 也).

(2) Bản của Lưu Tư, bản của Du Việt: Thị vị phối Thiên chi cực 是 謂 配 天 之 極.

(3) Bản của Mã Kỳ Sưởng: Thị vị phối Thiên cực 是 謂 配 天 極 (Đó là hợp với chỗ cùng cực của Đạo Trời.)

[3] Xem Soderblom Nathan, La vie future d’après le Mazdéisme (Ernest Leroux éditeurs, 28 Rue Bonaparte, Paris 1901), đoạn nói về Nirvana.

[4] Comme toi, Père, tu es en moi et moi en toi, qu’eux aussi soient un en nous. Jean 17, 21.

ban may cat sat makita