Hán văn:
道 者, 萬 物 之 奧. 善 人 之 寶, 不 善 人 之 所 保. 美 言 可 以 市 尊, 美 行 可 以 加 人. 人 之 不 善 何 棄 之 有. 故 立 天 子, 置 三 公 雖 有 拱 璧 以 先 駟 馬 不 如 坐 進 此 道. 古 之 所 以 貴 此 道 者 何? 不 曰: 以 求 得, 有 罪 以 勉 邪? 故 為 天 下 貴 也.
Phiên âm:
- Đạo giả, vạn vật chi áo[1]thiện nhân chi bửu, bất thiện nhân chi sở bảo. [2]
- Mỹ ngôn khả dĩ thị tôn. Mỹ hạnh khả dĩ gia nhân.[3]Nhân chi bất thiện hà khí chi hữu.
- Cố lập thiên tử, trí tam công tuy hữu củng bích[4]dĩ tiên tứ mã[5] bất như tọa tiến thử Đạo.[6]
- Cổ chi sở dĩ quí thử Đạo giả hà? Bất viết:[7]dĩ cầu đắc, hữu tội dĩ miễn da? Cố vi thiên hạ quí dã.
Dịch xuôi:
- Đạo là bí quyết muôn loài, là châu báu của người lành, là chỗ dựa nương của người bất lương. (Nhờ Đạo) mà có những lời hay việc đẹp (Nhờ Đạo mà những lời hay được tăng giá trị, được trọng vọng; mà những việc đẹp tăng phẩm cách con người). (Nhờ Đạo) mà những kẻ bất lương không bị ruồng rẫy.
- Cho nên lập thiên tử, lập tam công tuy tay cầm ngọc bích, tuy thân ngồi xe tứ mã, nhưng vẫn không bằng ngồi mà đem Đạo (ấy vào thân mình, và vào người khác).
- Người xưa quí Đạo là vì sao? Há chẳng có lời rằng: Cầu Đạo thời được, có tội thời được khỏi sao? Cho nên Đạo quí nhất thiên hạ.
Dịch thơ:
- Đạo là bí quyết muôn loài,
Là châu là báu của người hiền lương.
Đạo còn là chốn dựa nương,
Cho người bạc đức có đường dung thân.
- Lời hay việc đẹp gian trần
Đều do nguồn đạo tinh thuần phát ra.
Mấy đời những kẻ gian tà,
Mong nhờ lượng cả, khỏi ra thân tàn.
- Cho nên đã tiếng vua quan,
Phải đâu giỡn ngọc, đùa vàng trêu ngươi.
Phải đâu tứ mã rong chơi,
Vua quan cốt để «tiến trời» vào thân.
- Người xưa chuộng Đạo muôn phần,
Vì khi đắc đạo, lụy trần tiêu tan.
Đạo là vật báu thế gian.
BÌNH GIẢNG
Chương này Lão tử bàn về Đạo. Lão tử cho rằng:
- Đạo tiềm ẩn trong lòng người lành, kẻ dữ.
- Đạo là nguồn mạch sinh ra mọi lời hay ý đẹp.
- Làm chính trị cốt là cố gắng làm cho mình và cho mọi người đắc Đạo.
- Đạo là cái quí nhất trần gian, là nguồn mạch hạnh phúc con người.
- Đạo tiềm ẩn trong lòng người lành, kẻ dữ
Tống Long Uyên xưa đã giảng đoạn này như sau:
«Vạn vật đều được dung tàng trong lòng Đại Đạo, nên mới có diệu lực sinh hoá… [Đại Đạo] có thể sinh ra mọi sự từ vô đến hữu; có thể chi phối mọi hình tướng; vốn có trước cả đất trời; trường tồn mãi cả khi không còn trời đất. Cho nên Tạo Hoá chính là căn nguyên của vạn vật, sinh sinh hoá hoá. Hiểu được lẽ ấy tức là hiểu được điều ẩn áo của Tạo Hoá. Nếu trời đất không tàng trữ ẩn áo đó, thì trời đất không thể chở che. Nếu vạn vật không tàng trữ ẩn áo đó, thì vạn hữu không thể sinh thành. Ẩn áo đó quán thâu vạn hữu mà không hề bị gián đoạn; bao quát cổ kim mà không để sót lọt chi. Ẩn áo đó nhìn không thấy, nghe không ra, bắt không được, buông không rơi. Thiên hạ xưa nay vẫn dùng hàng ngày mà không biết, vẫn làm hàng ngày mà không thấy. Nếu mà thấy được biết được thì làm sao mà còn gọi là ẩn áo được nữa. Vì thế trong đoạn này muốn nói: Đạo là ẩn áo, là bí quyết muôn loài.» [8]
Quan niệm này thánh Jean de la Croix sau cũng chủ trương. Ông viết: «Nên biết thượng đế ở trong mọi tâm hồn – dù là tâm hồn của kẻ tội lỗi nhất hoàn cầu – và hiện diện bằng bản thể. Đó cũng là cách hợp nhất của thượng đế với vạn hữu, có vậy mới giữ gìn được vạn hữu; không thế vạn hữu sẽ tiêu tan…» [9]
Upanishad cũng viết:
«Ngài là duy nhất chói chang,
Quần sinh Tạo Hóa, cao sang ai tầy ?
Ngài luôn ẩn áo lòng người,
Suy đi, ta sẽ thấy Trời trong tâm.
Biết trời sẽ thoát trầm luân,
Sẽ cùng trời đất muôn năm trường tồn.»
- Đạo là nguồn mạch sinh ra mọi lời hay, việc đẹp
Cho nên nhân loại có được những lời hay, có được những cử chỉ đẹp chính là nguồn Đạo ấy mà ra.
Cho nên dẫu con người có xấu xa mấy, thì sự xấu xa ấy cũng chỉ như mây mù che phủ mặt trời bản thể của họ mà thôi; họ vẫn có thể trở lại với bản tính nguyên thủy tốt đẹp của họ được.
- Làm chính trị cốt là cố gắng làm cho mình và mọi người đắc Đạo
Đắc Đạo tức là đắc nhất, mà đắc nhất tức là chỉ Nhất hay Chính. Chính trị 政 治 cốt là để đạt Chính 正, đạt Đạo 道, đạt Nhất 一 mà thôi.
Chữ Chính 政 xưa theo nguyên nghĩa chính là công phu giúp cho con người đắc Nhất 一, đắc Đạo 道. Chữ 政 gồm chữ Chính 正 và chữ Bộc 攴. Chính 正 là «chỉ nhất» 止 一 và Bộc là «đánh», là «công phu».
- Đạo là cái quí nhất trần gian và là nguồn mạch hạnh phúc con người
Đạo là cái quí báu nhất. Nhưng Đạo không phải là cái gì xa vời. Nếu chúng ta tha thiết tìm cầu, ta sẽ được Đạo. Được Đạo rồi thì bao tội lệ ta sẽ tiêu tan, bao oan nghiệp ta sẽ được hóa giải.
Vì thế cho nên Đạo là cái quí báu nhất. Chương này là một trong những chương của Đạo Đức kinh bàn về Đạo. Xin xem lại các chương 1, 4, 6, 14, 21, 25, 27, 32, 34, 51, v.v.
[1] Áo 奧: (1) chứa (tàng chứa), ý nói Đạo tàng chứa mọi sự (Hà Thượng Công); (2) sâu kín (Stanislas Julien); (3) tôn quí (Stanislas Julien); (4) chủ 主: chủ tể (Trịnh Khang Thành). (Áo 奧 xưa là phòng phía tây nam trong nhà dùng làm nơi tế tự).
[2] Bảo 保: che chở dựa nương (= ỷ 倚).
[3] Mỹ ngôn khả dĩ thị tôn. Mỹ hạnh khả dĩ gia nhân 美 言 可 以 市 尊. 美 行 可 以 加 人 là câu kinh theo bản sửa của Hoài Nam Tử (Xem Lưu Tư, James Legge).
– Wieger chấm câu như sau: Mỹ ngôn khả dĩ thị, tôn hạnh khả dĩ gia nhân. 美 言 可 以 市. 尊 美行 可 以 加 人. Vương bật cũng vậy (Xem Lưu Tư và Léon Wieger).
* Thị tôn 市 尊, Lưu Tư giải là đổi được địa vị tôn quí (hoán đắc tôn vị 換 得 尊 位). Có người giải thị 市 là chợ, hoặc là lợi.
* Gia nhân 加 人: hơn người khác người.
[4] Củng bích 拱 璧: miếng ngọc lớn cả thước (doanh xích chi bích 盈 尺 之 璧) hai tay cầm mới nổi.
[5] Tứ mã 駟 馬 : xe tứ mã (bốn ngựa kéo).
[6] Tọa tiến giả, bất dụng hữu vi, bất lao động tác, thuận kỳ tự nhiên, thâm nhập kỳ trung nhi vô bất thấu triệt. 坐 進 者, 不 用 有 為, 不 勞 動 作, 順 其 自 然, 深 入 其 中 而 無 不 透 徹.
[7] Lưu Tư, Vương Bật viết là bất viết 不 曰 . Tống Long Uyên viết là bất nhật 不 日 . Nếu viết «bất viết» thì phải giải: người ta há chẳng nói rằng. Nếu viết «bất nhật» thì phải giải: không ngày nào mà người ta không tìm cầu Đạo ấy.
[8] Vạn vật thâm tàng ư Đại Đạo chi trung, phương hữu sinh thành chi diệu. Năng sinh nhất thiết hữu vô, năng ngự nhất thiết hình sắc. Tiên thiên tiên địa nhi tố hữu; hậu thiên hậu địa nhi bất cải. Thị vị tạo hóa vạn vật chi bản thủy, sinh thành vạn vật chi căn để dã, sinh sinh hóa hóa. Đắc kỳ lý giả, tức thị đắc kỳ áo. Thiên địa bất tàng thử áo, tắc thiên địa bất năng lý tải. Vạn vật bất tàng thử áo tắc vạn vật bất năng sinh thành. Thống vạn vật nhi vô gián giả áo dã. Quán kim cổ nhi vô di giả áo dã. Thị chi bất kiến, thính chi bất văn giả áo dã. Thủ chi bất đắc, xả chi bất thất giả áo dã. Đản thiên hạ chi nhân, nhật dụng nhi bất tri, nhật vi nhi bất kiến. Nhược hoặc tri chi, kiến chi, tắc hựu bất túc dĩ vi áo hĩ. Văn trung ngôn Đạo giả, vạn vật chi áo, cái thị như thử. 萬 物 深 藏 於 大 道 之 中, 方 有 生 成 之 妙. 能 生 一 切 有 無, 能 御 一 切 形 色. 先 天 先 地 而 做 有; 後 天 後 地 而 不 改. 是 謂 造 化 萬 物 之 本 始, 生 成 萬 物 之 根 柢 也, 生 生 化 化. 得 其 理 者 即 是 得 其 奧. 天 地 不 藏 此 奧, 則 天 地 不 能 履 載. 萬 物 不 藏 此 奧 則 萬 物 不 能 生 成. 統 萬 萬 而 無 間 者 奧 也. 貫 今 古 而 無 移 者 奧 也. 視 之 不 見 聽 之 不 聞 者 奧 也. 取 之 不 得 捨 之 不 失 者 奧 也. 但 天 下之 人 日 用 而 不 知 日 為 而 不 見. 若 或 知 之 見 之 則 又 不 足 以 為 奧 矣. 文 中 言 道 者 萬 物 之 奧 蓋 是 如 此. Tống Long Uyên, Đạo Đức kinh giảng nghĩa, quyển hạ, tr. 42b.
[9] Il faut savoir que Dieu demeure en toutes les âmes, fuât-ce celle du plus grand pécheurs du monde et y est présent en substance. Et cette manière d’union est toujours entre Dieu et toutes les créatures, selon laquelle, il les conserve en leur être, de sorte que si elle venait à leur manquer, elle s’anéantirait aussitôt et ne serait plus. ― La montée du Carmel (Les œuvres spirituelles du Bienheureux Père Jean de la Croix, Desclée et Brower) p. 133-134.