Hán văn:
為 學 日 益, 為 道 日 損. 損 之 又 損, 至 於 無 為. 無 為 而 無 不 為, 取 天 下 常 以 無 事. 及 其 有 事, 不 足 以 取 天 下.
Phiên âm:
- Vi học nhật ích, vi Đạo nhật tổn. Tổn chi hựu tổn dĩ chí ư vô vi.
- Vô vi nhi vô bất vi, thủ thiên hạ thường dĩ vô sự. Cập kỳ hữu sự bất túc dĩ thủ thiên hạ.
Dịch xuôi:
- Theo học ngày một thêm, theo Đạo ngày một bớt. Bớt rồi lại bớt, đến mức Vô vi.
- Không làm mà không gì không làm; muốn được thiên hạ phải dùng vô vi; dùng hữu vi không đủ để được thiên hạ.
Dịch thơ:
- Học nhiều càng lắm rườm rà,
Càng gần Đạo cả càng ra đơn thuần.
Giản phân rồi lại giản phân,
Tần phiền rũ sạch còn thuần vô vi.
- Vô vi huyền diệu khôn bì,
Không làm mà chẳng việc chi không làm.
Vô vi mà được thế gian,
Càng xoay xở lắm đời càng rối beng.
BÌNH GIẢNG
Nếu chúng ta đi vào con đường kiến văn kiến thức, chúng ta phải lo trau dồi thêm mãi kiến thức kiến văn. Đó là con đường hướng ngoại, con đường dẫn tới công danh lợi lộc.
Còn nếu chúng ta định đi tìm Đạo, tìm bản thể trong con người chúng ta thì chúng ta phải đi vào con đường rũ bỏ:
– Chúng ta phải từ bỏ cho hết mọi tà tâm tà niệm.
– Chúng ta phải rũ bỏ lòng tư kỷ, tư dục.
– Chúng ta phải từ bỏ lòng ham danh lợi.
– Chúng ta phải rũ bỏ mọi tri kiến phiền tạp phù phiếm.
– Chúng ta phải rũ bỏ hết mọi sự xuyến xao làm mất sự tĩnh lãng của tâm thần.
– Chúng ta phải rũ bỏ mọi chấp trước mê vọng.
«Khi mà nhân dục đã hủy hết, thiên lý sẽ trở nên thuần toàn. Khi mà tính đã yên như ngọc lưu ly không còn vấn vương một chút chi ô nhiễm, khi mà lòng đã sáng như tấm gương trong, không còn bợn một chút chi nhơ bẩn, lúc ấy Bản thể sẽ hiển hiện ra sáng láng, cái Chân tâm tự tại, cái «Bản lai diện mục» của chúng ta sẽ biểu lộ ra rõ ràng, và lúc ấy Vô cực chân nhân mới để lộ dung quang…» [1]
Theo quan niệm của các nhà huyền học, thì nếu chúng ta không biết gạt bỏ những kiến văn phù phiếm, nếu chúng ta không vượt lên trên được các hình thức sắc tướng, thì làm sao chúng ta hợp nhất được với Đấng Chí Tôn. [2]
Đi vào nội tâm, trừ sạch mọi tà tâm, tà niệm, vọng niệm, vọng tưởng, chúng ta sẽ đạt được tới vô vi. Đạt tới vô vi tức là đạt tới Bản thể Căn nguyên, đạt tới Pháp giới, đạt tới Niết bàn theo từ ngữ nhà Phật.
Vì kinh Đại Niết Bàn cho rằng:
– «Giải thoát là trừ sạch vô minh sinh ra chân minh.»[3]
– «Giải thoát là rốt ráo thanh tịnh.»[4]
– «Phật tánh tức là chân giải thoát.»[5]
– «Chân giải thoát tức là Như lai.»[6]
– «Như lai tức là Niết bàn. Niết bàn tức là Vô tận. Vô tận tức là Phật tánh. Phật tánh tức là quyết định. Quyết định tức là Vô thượng chánh giác.»[7]
Cho nên rũ bỏ đây tức là dập tắt «lửa phiền não», vượt vòng sinh tử hình tướng để mà lên cõi bất sanh bất diệt».
Phật cũng còn nói: «Bất sanh bất diệt tức là giải thoát, giải thoát như vậy tức là Như lai.»[8]
Rũ bỏ hết để đạt tới «vô sở đắc» mà «vô sở đắc thời gọi là Huệ» [9] là Đại Niết Bàn.[10]
Đạt tới vô sở đắc, đạt tới vô vi tức là dứt hẳn tất cả sinh tử [11] đạt tới «Thường, lạc, ngã, tịnh».[12]
Từ trên đến đây, chúng ta đã dùng từ ngữ của thánh hiền Âu Á để chứng minh rằng:
Phải rũ bỏ phù hoa, bác tạp mới tìm ra Tinh Hoa, tìm ra Chân bản thể tinh tuyền. Tìm ra được rồi tức là:
– Phối thiên
– Đắc Nhất, đắc Đạo
– Đạt tới Vô vi
– Đạt tới Vô thượng chính đẳng, chính giác, tới Niết Bàn.
Như vậy con đường tu, công phu tu luyện, mục đích tu trì nhất nhất đều đã được vạch rõ.
Khi đã đạt tới mức sâu nhất của lòng con người chúng ta đã đạt tới Trung tâm Vũ Trụ, đạt tới Thiên Địa chi tâm, đạt tới phổ quát đại đồng, và như vậy chúng ta sẽ bao quát được không gian thời gian. Như vậy chính là được cả thiên hạ, cả vũ trụ.
Những công chuyện hời hợt bên ngoài làm sao mà để lại được tầm ảnh hưởng gì lớn lao, sâu sắc. Thêm kiến văn, kiến thức, thêm kinh nghiệm. Đó là con đường hướng ngoại, tìm về công danh lợi lộc.
Tổn là tổn nhân dục, tổn lòng tham danh tham lợi, rũ bỏ phù hoa. Đó là con đường hướng nội, đi tìm về Đạo về Bản Thể.
Thiên tính nằm trong con người, cũng như vàng, như ngọc nằm trong quặng trong đá. Càng làm tiêu hao được đá, được quặng bên ngoài thời ngọc lành sẽ hiện ra.
Tổn là hao tổn lửa phiền não bên ngoài để cho còn nguyên có Pháp thân Như Lai.
[1] Nhân dục khử tận, thiên lý thuần toàn; tính tĩnh như lưu ly, bất dung nhất hào ô nhiễm, tâm thanh tự minh kính, vị hữu bán diễm trần ế, bản thể quang minh, chân tâm tự tại, bản lai chi diện mục, phương tài hiển lộ, vô cực chi chân nhân, thủy hiện kim dung 人 欲 去 盡, 天 理 純 全; 性 靜 如 琉 璃, 不 容 一 毫 污 染, 心 清 似 明 鏡, 未 有 半 點 塵 翳, 本 體 光 明, 真 心 自 在, 本 來之 面 目, 方 纔 顯 露, 無 極 之 真 人, 始 見 金 容. Tống Long Uyên, Đạo Đức kinh giảng nghĩa, quyển hạ, chương 48, tr. 16.
[2] Et toi, cher Timothée, l’âme toute tendue vers les mystiques contemplations, renonce à tes sens, à tes travaux intellectuels, à toutes les choses sensibles et intelligibles, à tout ce qui est, à tout ce qui n’est pas et recherche le plus que tu pourras, au cours de tes investigations intérieures, l’union avec Celui qui est au-dessus de toute essence et de toute connaissance, car seulement par le libre, absolu et pur détachement de toi-même et de toute choses, renonçant à tout, délivré de tout tu atteindras le rayon supra-essentiel de la divine obscurité. (Denys le pseudo Aréopagite) Illan de casa Fuerte, La Religion essentielle, p. 66.
[3] Kinh Đại bát Niết bàn, tập 1, tr. 184.
[4] Sđd, tr. 187.
[5] Sđd, tr. 187.
[6] Sđd, tr. 187.
[7] Kinh Đại bát Niết bàn, tập 1, tr. 187.
[8] Sđd, tr. 193.
[9] Kinh Đại bát Niết bàn, tập 2 (Thích trí Tịnh dịch) tr. 99.
[10] Sđd, tr. 99.
[11] Sđd, tr. 100.
[12] Sđd, tr. 101.