Hán văn:
知 其 雄, 守 其 雌, 為 天 下 溪; 常 德 不 離, 復 歸 嬰 兒. 知 其 白, 守 其 黑, 為 天 下 式. 常 德 不 忒, 復 歸 無 極. 知 其 榮, 守 其 辱, 為 天 下 谷. 為 天 下 谷, 常 德 乃 足. 復 歸 於 朴. 朴 散 則 為 器; 聖 人 用 之, 則 為 官 長. 故 大 制 不 割.
Phiên âm:
- Tri kỳ hùng, thủ kỳ thư, vi thiên hạ khê; thường đức bất ly, phục qui anh nhi.
- Tri kỳ bạch, thủ kỳ hắc, vi thiên hạ thức.[1]Thường đức bất thắc,[2]phục qui ư vô cực.
- Tri kỳ vinh, thủ kỳ nhục, vi thiên hạ cốc. Vi thiên hạ cốc, thường đức nãi túc. Phục qui ư phác.
- Phác tán tắc vi khí; thánh nhân dụng chi, tắc vi quan trưởng. Cố đại chế bất cát.
Dịch xuôi:
- Biết sống, giữ mái, làm khe lạch cho thiên hạ. Làm khe lạch cho thiên hạ không lìa «thường đức», trở về trạng thái anh nhi.
- Biết trắng, giữ đen, làm phép tắc cho thiên hạ. Làm phép tắc cho thiên hạ, không sai «thường đức», trở về vô cực.
- Biết vinh, giữ nhục, làm hang sâu cho thiên hạ. Làm hang sâu cho thiên hạ, đầy đủ «đức hằng», trở về mộc mạc.
- Mộc mạc tán thời thành đồ dùng. Thánh nhân được dùng, làm quan trên; cho nên phép lớn không chia cắt.[3]
Dịch thơ:
1. Cầm thư (kiễm) biết (thanh) hùng (kiếm)
Sống lem nhem, theo tiếng thế gian.
Lem nhem trước mắt trần hoàn,
Nhưng mà đức cả tiềm tàng chắt chiu.
Quá chắt chiu ra chiều trẻ nhỏ.
2. Cầm tối đen, biết có sáng trong,
Treo gương đã quyết một lòng,
Treo gương thiên hạ, «đức Hằng» tất giao.
Nghĩa tất giao gá vào Vô cực.
3. Biết Ngài vinh ta nhục có sao.
Khiêm cung như thể hang sâu,
Hang sâu thăm thẳm, đức mầu chứa chan.
Bỏ phức tạp, chỉ ham phác thực,
Giữ chu toàn thực chất thiên lương.
4. Thiên chân phân tán, vãi vương,
Sẽ thành đồ đạc để nương, để dùng.
Thánh nhân nếu lâm vòng hữu dụng,
Bất quá là trưởng thượng bách quan.
Mới hay phép lớn mênh mang,
Không chia, không cắt, vẹn toàn mới hay.
BÌNH GIẢNG
Các nhà bình giảng chương này thường bình và giải rằng: nên khiêm cung, không nên phô trương thanh thế.
Chẳng hạn, Wieger dịch như sau:
- Biết mình dũng mãnh (biết mình là gà trống) mà lại ăn ở trong tình trạng thấp kém (của con gà mái); tự nguyện sống nơi thấp kém trong nước… Cư xử như vậy tỏ ra rằng mình vẫn giữ được «thường đức» (tuyệt đối vô vị lợi, sống phối kết với Đạo,
- Biết mình thông sáng, mà vẫn ăn ở ra tuồng ngu dốt; sẵn sàng làm bậc thang cho mọi người… Cư xử như vậy tỏ ra rằng «thường đức» chưa bị giao động», và mình hãy còn phối hiệp với Đại Đạo.
- Biết mình đáng hưởng vinh hoa, mà sẵn sàng sống trong bóng tối; nguyện làm hang (làm chỗ thấp nhất) trong thiên hạ. Cư xử được như vậy, tỏ ra rằng mình vẫn giữ được nguyên vẹn lòng vô tư nguyên thủy, và vẫn giữ được sự chất phác hồn nhiên, v.v.
Xưa nay các nhà bình giải đại loại đều cho rằng Lão tử muốn ta sống khiêm cung như vậy mà thôi. Tuy nhiên chúng ta cũng có thể bình dịch theo một khía cạnh khác như sau:
Từ những kinh nghiệm mà ta có về tâm hồn ta,[4] ta có thể suy ra [5] rằng trong ta còn có Trời, có Đạo.
Tại sao vậy? Vì trời đất, đã có âm, thời phải có dương, đã có đen thời phải có trắng.
Cho nên nếu chúng ta nghiệm thấy rằng tâm hồn ta là âm (thư) là đen (hắc), thì lập tức ta sẽ suy ra được trong tâm hồn ta còn có Dương (Hùng), còn có trắng (Bạch) đó là phép từ «trái» suy ra «phải» từ «đầu này» suy ra «đầu kia».
Như vậy từ người tìm ra Trời ra Đạo tưởng không có khó. Ta chỉ việc áp dụng định luật Âm Dương điên đảo, Âm Dương phản phúc của Dịch lý. Thế tức là:
«Điên đảo âm dương phản cửu hoàn.» 顛 倒 陰 陽 反 九 還 (Lộn lạo âm dương để về với Trời với Đạo.)
Cho nên nếu chúng ta tách ra được khỏi trạng thái tâm hồn bác tạp, ô trọc, tầm thường, chúng ta sẽ tìm ra được «thường đức», tìm ra được «mẫu mực không hề sai thác» trong tâm hồn ta, mẫu mực mà từ xưa đến nay, người ta thường gọi là Di, là Trung, là Minh Đức, là Lương tri v. v., và đồng thời chúng ta cũng tìm ra được «Vô cực» vô biên tế, hồn nhiên, thuần phác.
Đó là con đường duy nhất mà các nhà Huyền học dùng để trở về với Đạo, với Trời.
Thánh Augustin cũng đã nói: «Chúa thẳm sâu hơn sự thẳm sâu của lòng tôi.» [6]
Bình giải theo lối thứ hai của chúng ta này, chúng ta sẽ thấy hai chữ «Phản phác» của Hà Thượng Công nơi đầu chương hết sức có ý nghĩa.
Như vậy theo Lão tử, mục đích con người là thực hiện «Thiên chân» thực hiện «Đạo thể». Có thực hiện được Đạo thể, mới trở nên toàn chân, viên mãn. Không thực hiện được Đạo thể, thời dẫu làm chức vị gì chẳng nữa, cũng vẫn khí cụ cho đời, vẫn bị phân tán, khiếm khuyết.
Trời sinh ra con người có thể có «Đại dụng», mà cũng có thể có «Tiểu dụng». Thực hiện được cái «Đại dụng» thì trời đất cũng không đủ chứa, thực hiện cái tiểu dụng thời nhiều khi không đủ miếng ăn. [7] Đó là ý nghĩa câu thứ tư: «Phác tán tắc vi khí…»
Chúng ta có thể dùng thiên Tiêu diêu du của Trang tử để bình giải chương này như sau:
«Hồn ta hỡi hãy tiêu diêu,
Tung đôi cánh rộng khinh phiêu chín tầng.
Hãy tung cánh chim bằng muôn dặm,
Cưỡi gió mây bay thẳng về Nam.
Bay về quê cũ giang san,
Hồ Trời vùng vẫy miên man thỏa tình.
Mặc nhân thế rẻ khinh đàm tiếu,
Óc phàm phu sao hiểu chí nhân.
Vùi thân trong chốn hồng trần,
Họ như ve, sẻ, qua lần tháng năm.
Tầm mắt hẹp, mà tâm ti tiểu,
Kiếp phù du nào hiểu chi đâu.
Thân lươn bao quản lấm đầu,
Cốt sao cho khỏi cơ cầu thì thôi.
Phận sâu bọ đành rồi sâu bọ,
Thân nấm rêu, nào rõ tuần trăng.
Ve sầu nào biết thu xuân,
Minh linh ngoài mấy vạn năm hay gì.
Như Bành tổ có chi là thọ,
Mà chúng nhân quá cỡ tán dương.
Người vui tước phận lý hương,
Người vui mũ áo xênh xang trị vì.
Kìa Liệt tử thích đi mây gió,
Cưỡi gió mây đây đó thỏa lòng.
Còn ta khinh khoát vô cùng,
Sánh vai nhật nguyệt vẫy vùng khinh phiêu.
Quên mình, quên hết mọi điều,
Quên tên, quên cả bao nhiêu công trình.
Sống đời sống thần linh sảng khoái,
Như Hứa Do chẳng đoái vương hầu.
Uống ăn nào có chi đâu,
Mà lo với lắng cho dầu lòng ai.
Ta chẳng nói những bài phách lối,
Lời của ta đâu nỗi hoang đường.
Lời ta minh chính đàng hoàng.
Vì người không hiểu, trách quàng, trách xiên.
Kẻ mù tối sao xem màu sắc,
Người điếc tai sao bắt âm thanh.
Cho nên những kẻ vô minh,
Tối tăm, ù cạc ngọn ngành hiểu chi.
Sao biết được uy nghi sang cả,
Của những người huyền hóa siêu linh.
Đất trời gồm tóm trong mình,
Lồng vào muôn vật sự tình nào hai.
Dẫu sóng cả ngất trời không đắm,
Dẫu nóng nung cũng chẳng làm sao.
Trời mây mặc sức tiêu dao,
Cho dù Nghiêu, Thuấn dễ nào sánh vai.
Kiếp sống nọ mấy ai biết dụng,
Biết cách dùng cho đúng cho hay.
Có dưa năm thạch trong tay,
Bổ ra năm bảy, dưa này vứt đi
Nhưng nếu biết để y như trước,
Dùng làm phao, sông nước nó băng.
Đổi bất qui thủ [8] lấy vàng.
Ngỡ là đã khéo tính toan lãi lờ.
Ai ngờ nó giúp Ngô thắng Việt,
Giúp chủ nhân mãn kiếp vinh quang.
Biết dùng thời thực mênh mang,
Dùng sai, dùng dở, oán than nỗi gì.
Nhưng hay nhất là khi vô dụng,
Thoát vòng đời tù túng lợi danh.
Sống trong vô cực siêu linh,
Xa bề khổ ải, mặc tình nhởn nhơ.» [9]
[1] Thức 式: khuôn phép, mẫu mực.
[2] Thắc 忒: biến đổi, sai lầm.
[3] – Stanislas Julien dịch: Lorsque le Saint est élevé aux emplois, il devient le chef des magistrats. Il gouverne gravement et ne blesse personne.
– James Legge dịch: The sage, when employed, becomes the Head of all the officers (of Government), and in his greatest regulations he employs no violent measures.
– Nguyễn Duy Cần dịch: Mộc mạc tán ra sinh đủ hạng người. Thánh nhân dùng hạng tài năng. Phong làm quan trưởng. Nên phép trị lớn không chia.
– Như vậy ta thấy có hai lối dịch: (a) hoặc dịch: Thánh nhân nếu được dùng, sẽ thành quan trưởng; (b) hoặc dịch: Thánh nhân dùng những quan trưởng.
[4] Giải chữ Thủ 守.
[5] Giải chữ Tri 知.
[6] «Tu eras interior intimo meo. (Conf. III. 6-11)
[7] Xem Mạnh Tử, Công Tôn Sửu, chương cú thượng, câu 6: «Cẩu năng sung chi, túc dĩ bảo tứ hải; cẩu bất sung chi, bất túc dĩ sự phụ mẫu» 苟 能 充 之, 足 以 保 四 海; 苟 不 充 之, 不 足 以 事 父 母.
[8] Bất qui thủ 不 龜 手 : Một thứ thuốc bôi vào chân tay cho khỏi nứt nẻ.
[9] Phóng tác theo thiên Tiêu diêu du trong Nam Hoa kinh.